Hạ tầng

Dự án nút giao Kim Liên: Dân hoang mang vì thông tin mù mờ

23/04/2015, 09:43

Người dân nghi ngờ dự án có nhiều điểm chưa rõ ràng, minh bạch, gây thiệt hại tới quyền lợi hợp pháp của mình.

123
Các hộ dân đã bắt đầu tự tháo dỡ các công trình để trả đất cho dự án (ảnh chụp chiều 22/4)

Dù đã tự nguyện tháo dỡ công trình để trả lại mặt bằng cho dự án nhưng các hộ dân nằm trong diện giải tỏa vẫn chưa hài lòng với cách giải thích của chính quyền và BQL dự án. Họ cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại nếu chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Như Báo Giao thông từng thông tin, 7 hộ dân ở tổ 1, phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) đã gửi đơn đến Báo Giao thông phản ánh việc họ nghi ngờ dự án có nhiều điểm chưa rõ ràng, minh bạch, gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Không công bố thông tin chi tiết

Theo các hộ dân, Dự án “Xây dựng hoàn thiện tuyến đường nối từ nút giao hầm Kim Liên đến tuyến đường Kim Liên mới” được phê duyệt từ năm 2010 theo Quyết định 1913 ngày 14/9/2010 của Sở GTVT Hà Nội. Tuy nhiên, đến ngày 30/12/2014, UBND quận Đống Đa mới gửi cho các hộ dân có đất nằm trong diện GPMB các quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Trao đổi với Báo Giao thông chiều 22/4, ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa xác nhận việc các hộ dân tổ 1, phường Phương Liên có đất nằm trong diện giải tỏa để phục vụ dự án đang chủ động tự tháo dỡ công trình để bàn giao đất. “Đến nay mọi công tác làm việc, giải thích cho dân về những vấn đề liên quan đến dự án đã được tiến hành ổn thỏa, người dân đã hiểu và chấp hành. Do đó, khi người dân đề nghị được tự tháo dỡ công trình, UBND quận Đống Đa và BQL dự án đã đồng ý”, ông Hào nói.

Ông Bùi Xuân Hiển (trú số nhà 190 Xã Đàn, tổ 1, phường Phương Liên) cho rằng, Quyết định 1913 đã được coi là hết hiệu lực nên việc căn cứ vào quyết định này làm cơ sở thu hồi đất của các hộ dân là không hợp lý. Ngoài ra, trong suốt thời gian triển khai dự án, chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện dự án không hề công bố các thông tin chi tiết liên quan đến dự án cho người dân biết ngoài tờ bản đồ quy hoạch từ năm 2010 khiến người dân rất hoang mang. Họ không hề biết được chính xác trong số diện tích đất dự án sẽ thu hồi của họ có bao nhiêu mét để làm vỉa hè, bao nhiêu mét để làm đường.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong Văn bản số 3962 của Sở Quy hoạch kiến trúc gửi BQL dự án giao thông đô thị (đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án) ngày 2/12/2010 và bản đồ kèm theo có vẽ và ghi rõ “vỉa hè 8 m tính từ chỉ giới đường đỏ tại vị trí đường thẳng, vỉa hè 4 m tại vị trí nút nhưng khi chúng tôi nhận được thông báo lấy đất để phục vụ dự án thì hầu hết nhà nào cũng bị lấy sâu vào từ 8-10 m, có nơi đến tận 12 m”, ông Hiển cho hay.

Trước những nghi vấn trên, các hộ dân đã liên tục có đơn gửi đến các cơ quan chức năng quận Đống Đa và TP Hà Nội đề nghị được giải đáp nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Chủ động tháo dỡ, chờ câu trả lời

Trong lúc những thắc mắc của các hộ dân vẫn chưa được trả lời thỏa đáng thì ngày 30/1/2015, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã gửi thông báo yêu cầu các hộ dân ngừng kinh doanh để thu hồi mặt bằng để thực hiện dự án. Ngày 18/3/2015, UBND phường Phương Liên đến số nhà 190 Xã Đàn kiểm tra hiện trạng và yêu cầu cơ sở kinh doanh đang thuê nhà của gia đình ông Bùi Xuân Hiển ngừng hoạt động để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án GPMB. Đến ngày 16/4 vừa qua, phần diện tích nhà ở của các hộ dân này đã bị quây tôn kín để chuẩn bị phương án cưỡng chế, giải tỏa.

Ngày 21/4, toàn bộ 7 hộ dân có đất nằm trong diện GPMB cho dự án đã đồng thuận cùng tự tháo dỡ các công trình nhà ở của mình để trả đất cho dự án. Ông Bùi Xuân Hiển cho rằng, việc các hộ dân chủ động tháo dỡ công trình nhà ở của mình là do họ ý thức được các quy trình pháp luật trong vấn đề giải phóng, đền bù. Còn trên thực tế, họ vẫn chưa hết những thắc mắc, hoài nghi về các thông tin liên quan đến dự án mà đến nay chưa được chủ đầu tư trả lời. “Pháp luật yêu cầu thì chúng tôi chấp hành. Nhưng chúng tôi cũng đòi hỏi, khi người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật thì các cấp chính quyền cùng chủ đầu tư cũng nhanh chóng trả lời những thắc mắc của người dân một cách cụ thể, chi tiết”, ông Hiển nói.

Theo quan sát của PV chiều 22/4, các hộ dân nằm sát mặt đường Xã Đàn đã dừng mọi hoạt động kinh doanh và bắt đầu tháo dỡ công trình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.