Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông |
Để hiểu thêm về những điểm mới trong Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cũng như định hướng phát triển lĩnh vực đường sắt trong thời gian tới, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
Cần thiết phải sửa đổi Luật Đường sắt 2005
Xin Thứ trưởng cho biết, tại sao phải sửa đổi Luật Đường sắt 2005 dù mới hơn 10 năm thực hiện?
Trước tiên phải khẳng định rằng, Luật Đường sắt 2005 là văn bản pháp lý quan trọng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực GTVT đường sắt. Lần đầu tiên, hoạt động GTVT đường sắt có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu góp phần tích cực trong việc điều chỉnh các hoạt động GTVT đường sắt, phân định giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt. Mặt khác, các văn bản này đã tạo khung pháp lý phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động đường sắt mà trước đây chưa có.
"Luật Đường sắt mới sẽ là cơ sở để tạo điều kiện hỗ trợ, ưu đãi hơn cho công nghiệp đường sắt phát triển đồng bộ với sự phát triển kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt; Khắc phục những yếu kém về công nghiệp đường sắt của Việt Nam hiện nay”. Thứ trưởng |
Tuy nhiên, qua thực tế thi hành Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ những tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt. Trong đó, một số nội dung Luật Đường sắt 2005 đã quy định nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế như: Chính sách phát triển đường sắt; Phân định giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; Triển khai thực hiện Điều 112, Luật Đường sắt 2005 chậm (Đến năm 2014 mới triển khai tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt VN); Có những quy định trong Luật Đường sắt 2005 chưa thể triển khai được do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nguồn tài chính hạn chế, ví dụ Quy định về hành lang ATGT đường sắt; Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT đường sắt; Kinh doanh đường sắt…
Có những nội dung chưa được quy định trong Luật Đường sắt 2005, cần phải được bổ sung phù hợp với thực tiễn như: Ưu đãi hơn nữa trong hoạt động đường sắt; Nội dung công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; Quản lý Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng, quỹ đất dành cho đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư; Về công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; Niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt; Quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt; Chính sách phát triển công nghiệp đường sắt; Đường sắt tốc độ cao... Chính vì vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật Đường sắt 2005 để phù hợp với nội dung các luật, pháp lệnh mới ban hành cũng như để điều chỉnh kịp thời các yêu cầu từ thực tiễn hoạt động GTVT đường sắt.
Luật Đường sắt (sửa đổi) tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước - Ảnh: Ngô Vinh |
Hướng tới phát triển GTVT đường sắt theo cơ chế thị trường
Mục tiêu hướng tới của Luật Đường sắt (sửa đổi) là gì, thưa Thứ trưởng?
Luật Đường sắt (sửa đổi) hướng tới mục tiêu phát triển GTVT đường sắt theo cơ chế thị trường, tạo bước đột phá để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Luật Đường sắt (sửa đổi) lần này nhằm xác định rõ hơn các chủ thể trong quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, trong quản lý đất dành cho đường sắt và làm rõ hơn vai trò quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; Tách bạch rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng đường sắt với chức năng kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và chức năng kinh doanh vận tải của doanh nghiệp. Từ đó, tạo lập cơ hội, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, khai thác, kinh doanh đường sắt, thúc đẩy lĩnh vực đường sắt Việt Nam phát triển nhanh và hội nhập quốc tế.
Ví dụ, Nhà nước quản lý hạ tầng tuyến nào thì Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư, bảo trì hàng năm; Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên tuyến phải trả tiền thuê hạ tầng theo cơ chế giá. Nhà nước cũng có thể cho thuê, nhượng quyền khai thác tuyến trong một thời gian nhất định; Doanh nghiệp được nhượng quyền chịu trách nhiệm đầu tư, bảo trì hạ tầng… Nói chung, khi ấy sẽ có nhiều hình thức để doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt.
Trong Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) có chương riêng về đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, hiện có ý kiến cho rằng, chưa nên đưa nội dung này vào Dự thảo Luật vì chưa có chủ trương đầu tư. Vậy, quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào?
Việc đưa quy định đường sắt tốc độ cao vào nội dung điều chỉnh của Luật Đường sắt (sửa đổi) là nhằm hướng tới tương lai phát triển đường sắt của Việt Nam. Việc xây dựng, sửa đổi luật không chỉ để điều chỉnh những vấn đề hiện tại mà còn phải mang tính dự báo, có thể giải quyết được những vấn đề trong tương lai và đảm bảo tính ổn định tương đối. Đây là bước chuẩn bị tiền đề, tạo hành lang pháp lý quan trọng làm cơ sở để sau này quá trình đầu tư, quản lý, khai thác thuận lợi. Như khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ năm 2003, mặc dù Việt Nam khi đó chưa có mét đường bộ cao tốc nào nhưng Luật cũng đã có quy định về đường cao tốc. Hoặc như Hàn Quốc, muốn xây dựng đường cao tốc, họ xây dựng Luật trước, sau mới thực hiện đầu tư. Vì vậy, nếu bây giờ không đưa nội dung đường sắt tốc độ cao vào Dự thảo Luật thì sau này khi có chủ trương đầu tư của Nhà nước sẽ lại phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật.
Hơn nữa, những năm qua, Bộ GTVT đã và đang cập nhật, làm rõ những nội dung mà Quốc hội yêu cầu về dự án đường sắt tốc độ cao như: Hiệu quả dự án, lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực… Gần đây, Bộ GTVT cũng đã báo cáo Chính phủ, kiến nghị về lộ trình đầu tư, dự kiến năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án trước năm 2020, tạo tiền đề để có thể bắt đầu xây dựng đoạn tuyến ưu tiên từ sau năm 2020. Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt cũng đã hoạch định hoàn thành nối thông toàn tuyến trước năm 2050.
Thưa Thứ trưởng, Phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/9 cho ý kiến về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) như thế nào?
Tại phiên họp lần này, Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị kĩ lưỡng, đầy đủ của Bộ GTVT. Các ý kiến đều đồng tình, nhất trí cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Đường sắt 2005 và đưa các nội dung quy định về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị vào trong Luật sửa đổi.
Tuy nhiên, còn có các ý kiến băn khoăn về vấn đề làm thế nào phát triển được đường sắt đúng với vai trò và vị thế của nó; nâng cao thị phần vận tải đường sắt. Có ý kiến đề nghị cần bổ sung rõ và chi tiết hơn về vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động đường sắt; cụ thể thêm về cơ chế hỗ trợ và ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư, kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải và phát triển công nghiệp đường sắt; về kết nối quốc tế, cụ thể hơn về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao… đồng thời, tiếp tục rà soát nhằm tránh sự chồng chéo với các luật khác.
Ngành GTVT luôn trân trọng mọi ý kiến đóng góp của Thường vụ Quốc hội nói riêng cũng như sự đóng góp, quan tâm của xã hội. Tất cả những ý kiến nói trên đều là hướng đến sự phát triển trong lĩnh vực vận tải đường sắt nói riêng, ngành GTVT nói chung, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia giao thông và kinh doanh vận tải.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận