Chính sách visa sẽ khôi phục lại như trước năm 2020. Đây có thể coi là cơ hội vàng của ngành du lịch sau hơn 2 năm "chết lâm sàng". Vậy các doanh nghiệp đã chuẩn bị những gì, cần hỗ trợ gì để đón cơ hội này và bật dậy?
Năm 2022, ngành du lịch phấn đấu đón 5 triệu khách quốc tế (Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An theo chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế tháng 11/2021)
Tất bật chuẩn bị chờ mở cửa
Những ngày này, các khu du lịch của Sun Group đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để chuẩn bị mở cửa vào ngày 15/3 tới.
Tại Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng), bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World (Sun Group) cho biết, hiện ngoài tuyến cáp treo bổ sung đã hoàn thiện và đưa vào phục vụ từ tháng 4/2021, đơn vị cũng đang hoàn thiện hàng loạt công trình mới như: Lâu đài Bà Nà, hầm rượu Bà Nà, khu bảo tàng kết hợp cảnh quan mặt nước, khu Văn hóa Lễ hội Bà Nà, lâu đài núi lửa…
Dự kiến, một số hạng mục mới sẽ ra mắt ngay từ đầu tháng 4.
Tương tự, tại Tây Ninh, khu du lịch Sun World Ba Den Mountain với không gian trưng bày nghệ thuật Phật giáo ngay dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cũng được làm mới, ấn tượng với chủ đề hoa gồm 3.000 chậu tulip cùng rất nhiều loài hoa khác…
Các khu du lịch khác như: Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai), Sun World Halong Complex (Quảng Ninh) cũng đang được trang hoàng với nhiều sản phẩm dịch vụ mới.
Để gia tăng giá trị và lợi ích cho khách hàng, Sun Grroup đã ký kết hợp tác toàn diện với hãng hàng không Vietnam Airlines, cam kết giảm giá cho hành khách của Vietnam Airlines khi đến các khu du lịch của Sun World từ 5 - 10% tùy địa phương.
Vietnam Airlines cũng cam kết giảm tối đa 30% giá vé phổ thông cho tất cả hành khách bay tới các điểm đến có cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng của Sun Group…
Còn Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, luôn chủ động xây dựng các kế hoạch, chỉ chờ kế hoạch cụ thể từ các địa phương sẽ lập tức chào bán booking, tung ra các chương trình cùng ngày giờ cụ thể của mùa cao điểm Đông 2022 để đối tác xây dựng chương trình.
“Khi các chuyến bay thương mại quốc tế chính thức nối lại, lượng khách Việt kiều hồi hương sẽ thúc đẩy du lịch nội địa. Thực tế, du lịch đã chính thức khởi động rồi”, đại diện Saigontourist nói.
Tương tự, đại diện Công ty du lịch Châu Á tour cho biết, nhờ có mốc thời gian cụ thể, công ty đã mở lại văn phòng sau thời gian dài đóng cửa vì doanh thu không đủ hoạt động.
Công ty đang kết nối với các hướng dẫn viên cũ và tuyển mới 20 nhân sự, liên hệ với các khu du lịch để sắp xếp lịch trình, đàm phán giá... từ đó xây dựng các tour.
“Dù mới khởi động nhưng chúng tôi đã cảm nhận được sức nóng của thị trường ngày một tăng lên, các đầu mối đều đã sẵn sàng, bắt nhịp nhanh. Công ty cũng có nhiều thay đổi trong hoạt động, bởi thị trường du lịch không còn như cũ”, vị này nói và cho biết thêm, nếu trước đây thường tổ chức các đoàn đông người, nay sẽ tập trung vào các nhóm nhỏ, tối ưu hóa mọi chi phí, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các khu du lịch để thu hút khách.
Vẫn cần chính sách kích cầu
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc trở lại (Trong ảnh: Khu du lịch Sun World Fansipan Legend). Ảnh: Tạ Hải
Tuy nhiên, những doanh nghiệp trên chỉ là số ít lên được kế hoạch phục hồi thị trường du lịch. Hiện vẫn còn rất nhiều công ty lữ hành đóng cửa hoặc làm việc cầm chừng vì chưa lên được kế hoạch đón khách, chưa tuyển được nhân sự, thiếu vốn… sau 2 năm bết bát.
Đại diện nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, để du lịch phục hồi, vẫn rất cần “đòn bẩy” từ chính sách.
Năm 2022, ngành du lịch phấn đấu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu khách quốc tế. Năm 2021, Việt Nam phục vụ 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, 3.800 khách quốc tế theo chương trình thí điểm bằng hộ chiếu vaccine. Vào trước dịch, năm 2019, Việt Nam đã đón 85 triệu khách nội địa và 18 triệu khách quốc tế.
Phó giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Nguyệt Vân Khanh chia sẻ, để các doanh nghiệp lữ hành triển khai đón khách quốc tế được thuận lợi và nhanh chóng hơn, bên cạnh việc công bố rộng rãi việc mở cửa toàn bộ để đón khách du lịch quốc tế, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách kích cầu, chiến dịch tiếp thị truyền thông đến các thị trường trọng điểm, đồng thời kiểm soát dịch tốt.
Đặc biệt, việc tăng tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đến Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục xuất, nhập cảnh Việt Nam là rất quan trọng.
“Cùng với đón khách quốc tế vào Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các cơ quan ban ngành nhanh chóng đưa ra chính sách hỗ trợ đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài theo hình thức hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia”, đại diện Vietravel kiến nghị.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho rằng, dù chúng ta đã có mốc thời gian mở cửa du lịch, tuy nhiên mở ra chưa chắc đã đón ngay được khách.
Bởi ngoài việc chúng ta đã chậm so với một số nước trong khu vực, thì cũng cần có thời gian để quảng bá đến khách quốc tế.
“Việc quảng bá của du lịch Việt trên thị trường quốc tế từ trước đến nay vẫn yếu và chưa có nhiều cải thiện. Vì vậy, sẽ mất nhiều thời gian hơn để khách quốc tế biết đến việc mở cửa của Việt Nam. Ít nhất phải đến tháng 5 - 6 mới có thể đón nhiều khách nước ngoài khi khách từ châu Âu, Australia có thói quen đi du lịch vào mùa này”, ông Hà nhận định và cho rằng, việc mở cửa phải nhất quán từ Trung ương đến địa phương, giữa các địa phương với nhau. Bởi nếu mở xong mà đóng lại khi dịch bùng phát thì doanh nghiệp sẽ kiệt quệ thêm.
Đó cũng là quan điểm của ông Lưu Đức Kế, nguyên Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitouris. Theo ông Kế, ngành du lịch của Việt Nam đã “vỡ trận” 3 lần, nên cần thận trọng và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, sau 4 đợt dịch, nhân lực là một vấn đề quan trọng cần giải quyết. Vì thế, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành quay trở lại làm việc.
“Nhà nước đã có gói hỗ trợ cho các đối tượng trong ngành. Tổng cục sẽ tiếp tục đề xuất duy trì các gói cơ chế chính sách này cho đến hết năm 2023. Chúng tôi cũng đang đề nghị các địa phương có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn”, ông Khánh nói.
Xử trí thế nào nếu xuất hiện F0?
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, khách du lịch sẽ được yêu cầu test Covid-19 và mua bảo hiểm du lịch với mức chi trả tối thiểu 10.000 USD.
Điều kiện với với khách quốc tế là từ 12 tuổi trở lên, có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Khách dưới 12 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều được đi cùng bố mẹ, người giám hộ hoặc người chăm sóc đã tiêm đủ liều; phải xét nghiệm và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch của Việt Nam.
Khách nhập cảnh cần có kết quả xét nghiệm âm tính, đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký, không được tiếp xúc với cộng đồng; xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Trường hợp có kết quả âm tính, khách được tham gia vào hoạt động du lịch. Nếu kết quả dương tính, khách được cách ly y tế tại nơi lưu trú hoặc điều trị theo quy định của Bộ Y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận