Áp dụng nhiều giải pháp, giao thông vẫn ùn tắc
Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc ùn tắc giao thông như: Mở rộng tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu...; phát triển các trục đường vành đai như: Vành đai 2.5, Vành đai 3, Vành đai 3.5, đang nóng hiện nay là Vành đai 4 liên kết vùng; Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống giao thông công cộng buýt BRT, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội...
Đường Lê Văn Lương - Tố Hữu "nhồi" 40 chung cư
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông, năm 2022, đơn vị này đã hoàn thành phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án; hoàn thiện thủ tục để khởi công 16 dự án; hoàn thành, thông xe 10 dự án, lập, trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán 32 dự án. Giải ngân vốn 1.900/2004.6 tỷ đồng (đạt 95% kế hoạch).
Tuy nhiên, có một điều dễ thấy, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra. Đơn cử như tuyến đường cầu hầm chui Trung Hòa, thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm khoảng 7h - 8h, để đi được từ cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến ngã tư Trần Duy Hưng giao cắt Hoàng Minh Giám và Nguyễn Chánh, người tham gia giao thông phải mất từ 20 - 30 phút; thậm chí, có thể mất hơn 1 tiếng đồng hồ vào những ngày trời mưa gió.
Tương tự, tình trạng tắc đường diễn ra tại nhiều tuyến đường khác như: Lê Văn Lương, Tố Hữu, ngã tư Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, Vành đai 2.5, Vành đai 3. Theo thống kê của Hà Nội, hiện triên địa bàn có 35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.
Quy hoạch đất đai phải bám sát quy hoạch giao thông, đô thị
Theo PGS.TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn tắc nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để là do thiếu quy hoạch giao thông vận tải bài bản và chưa có quy chuẩn đối với đơn vị, tổ chức tư vấn lập quy hoạch giao thông.
Ông Tâm khẳng định, từ thời Pháp, Thủ đô Hà Nội đã được quy hoạch, phân biệt rõ các tuyến đường chính, phụ. Các tuyến chính như: Trần Hưng Đạo, Bà Triệu... là trục chính lớn, các tuyến phụ nhỏ hơn.
Ông Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải
Nhưng hiện nay, phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải mở rộng các tuyến đường, song vô hình trung xảy ra tình trạng, các tuyến phố đều trở thành trục chính. Đáng nói, các tuyến chính lại bị cắt bởi vô vàn các ngõ, phố nhỏ. Điều này tạo ra sự xung đột giao thông, khiến vấn đề giải quyết ùn tắc đặt ra từ lâu chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, tình trạng mở rộng đường gặp nhiều khó khăn, tốn kém do phải giải tỏa nhiều khu dân cư đã ổn định, ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội.
Do đó, ông Tâm cho rằng, Điều 60, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: "Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" một cách chung chung với các ngành là chưa đủ. Cần có 2 chương quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất giao thông. Bởi xưa nay, việc đền bù, thu hồi đất phát triển giao thông được nhân dân đồng thuận cao, ủng hộ và có vai trò to lớn với phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, quy định quy hoạch đất giao thông phải đồng bộ, tầm nhìn dài hạn từ cao tốc, quốc lộ cho đến đường làng, ngõ xóm. Khi quy hoạch phải quy hoạch luôn phần đất đường dành cho xe 2 bánh 2 bên, không quy hoạch đơn lẻ, tập trung một vài dự án, "thực hiện xong dự án đó thì thôi". Ông Tâm nhấn mạnh: "Cần quy định, quy hoạch đất giao thông đồng bộ, dài hạn. Tránh tình trạng quy hoạch manh mún, cho người dân xây dựng nhà an yên, xong lại vẽ quy hoạch, phá ra làm đường, gây ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội và tốn kém kinh phí đầu tư".
Cũng theo ông Tâm, cần xây dựng quy chuẩn về điều kiện, chức năng, năng lực... đối với đơn vị, tổ chức tư vấn quy hoạch. Bởi theo ông Tâm, hiện nay quy chuẩn đối với đơn vị, tổ chức lập quy hoạch chưa có, dẫn đến tình trạng "năm cha, ba mẹ", tư vấn thủy lợi, nông nghiệp, xây dựng, thực phẩm đều tư vấn quy hoạch giao thông. Các tổ chức tư vấn quy hoạch giao thông không có chuyên môn cao, dẫn đến tư vấn giao thông méo mó, không đồng nhất.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra 2 quy hoạch quan trọng có liên quan đến nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đó là: Quy hoạch về giao thông, vận tải với 5 quy hoạch ngành Giao thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường xem đây là xương sống và từ quy hoạch này mở ra vấn đề giá trị đất đai tăng lên và phát triển kinh tế - xã hội sẽ mở theo. Do đó, quy hoạch đất đai chắc chắn phải dựa vào và gắn kết chặt chẽ với quy hoạch giao thông.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Quy hoạch mang tính không gian như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, ở nơi nào đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt thì không cần làm cụ thể quy hoạch đất đai mà quy hoạch đất đai chỉ sử dụng các tiêu chí về phân bổ, sử dụng đất hợp lý thông qua kế hoạch sử dụng đất, tức là thông qua việc huy động nguồn lực, việc chuyển đổi lực lượng sản xuất cho phù hợp...
Ông Tiến nhận định, việc tiếp cận theo hướng trên là khá chính xác và hợp lý, vì Luật Đất đai phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không mâu thuẫn với các luật khác.
Tuy nhiên, nội dung có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại thể hiện rất ít các quan điểm trên. Ví dụ: Nguyên tắc lập quy hoạch (Điều 60) hầu như không làm rõ tuân thủ quy định nào có liên quan đến quy hoạch về giao thông hay quy hoạch mang tính không gian?
Liên quan đến quy hoạch đô thị chỉ thể hiện tại khoản 3, Điều 65: "Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện" là chưa đầy đủ.
Do đó ông Tiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bám sát vào định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đó, làm rõ tuân thủ quy định nào có liên quan đến quy hoạch về giao thông hay quy hoạch mang tính không gian.
Đồng thời, bổ sung quy định, đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy hoạch chung được lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì không nhất thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất vào Điều 64: "Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh".
Bổ sung quy định thu hồi đất xây dựng đường bộ
Cũng theo ông Tiến, Luật Giao thông đường bộ (2008) và dự thảo Luật Đường bộ mới đây quy định: Trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xây dựng công trình hạ tầng khác gồm: Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, thông tin, viễn thông, năng lượng, cấp, thoát nước, công trình thủy lợi, thủy điện, băng tải phục vụ sản xuất, công trình tuyên truyền theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình đặc biệt khác.
Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thu hồi đất để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình hạ tầng (công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, thông tin, viễn thông, năng lượng, cấp, thoát nước, công trình thủy lợi, thủy điện, băng tải) phải hoàn trả công trình đường bộ bị ảnh hưởng, bố trí kinh phí và tổ chức di dời công trình.
Ông Tiến cho rằng, đây là quy định không hợp lý và không công bằng. Vì đã cho phép xây dựng (theo Luật Giao thông đường bộ) trong phạm vi bảo vệ cũng như đã phù hợp với quy hoạch giao thông hay quy hoạch đô thị thì khi di chuyển phải được đền bù về tài sản đã xây dựng mới hợp lý và công bằng, bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng.
Mặt khác, công trình theo tuyến như cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin… không phải là các công trình độc lập dễ dàng di chuyển, nó liên quan đến cả hệ thống/mạng lưới kết nối, liên quan đến vấn đề sản xuất, an sinh, xã hội và cuộc sống hàng ngày của người dân (không thể bị gián đoạn) đồng thời cũng cần phải có thời gian hợp lý khi thông báo/di chuyển/thi công để bảo đảm tính ổn định và liên tục…
Vì vậy, Khoản 1, Điều 81 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên bổ sung việc thu hồi đất để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ… Trong trường hợp bổ sung theo đề xuất, thì việc bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được áp dụng các quy định tại Điều 101.
Không điều chỉnh quy hoạch trong kỳ quy hoạch
Thời gian qua, Hà Nội đã chứng kiến việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng "nhồi" nhà chung cư. Đơn cử như đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, đoạn đường dài 2km đã bị “nhồi” 40 cao ốc, tạo áp lực lớn cho hạ tầng giao thông.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Quyết định số 108). Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (Quyết định số 1259)... Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Tại Nghị quyết 82/2019/QH14, Quốc hội cũng nhìn nhận về hiện trạng quy hoạch thời gian qua. Theo Nghị quyết, chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.
Đáng nói, đến nay, chưa tổ chức, cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh quy hoạch, đè nặng áp lực lên hạ tầng giao thông, xã hội.
Do đó, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc cho phép điều chỉnh dễ dàng đã dẫn đến bóp méo quy hoạch.
Do đó, ông Quân góp ý, Điều 71, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc: "Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" cần sửa theo hướng không nên điều chỉnh quy hoạch về dân cư, văn hóa, nhà ở... trong kỳ quy hoạch 10 năm. Trong kỳ quy hoạch đó, chỉ điều chỉnh với các dự án phục vụ lợi ích nhân dân như: Giao thông, quốc phòng, an ninh. Khi điều chỉnh chỉ giới phải được cấp cao hơn phê duyệt. Không để tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", đơn vị lập quy hoạch rồi lại điều chỉnh quy hoạch.
Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
"Rõ ràng, chúng ta rất mất thời gian, công sức, tiền bạc để lập quy hoạch. Thậm chí, thuê cả chuyên gia nước ngoài vào tư vấn lập quy hoạch. Thế nhưng, vừa lập năm trước, năm sau đã điều chỉnh. Do đó, tôi cho rằng, trừ những công trình quan trọng như an ninh, quốc phòng, các công trình phục vụ Nhân dân như giao thông thì điều chỉnh quy hoạch. Còn các công trình, dự án dân cư, văn hóa, công viên thì không điều chỉnh trong kỳ quy hoạch 10 năm", ông Quân nói.
Chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, quy định tại khoản 1, Điều 71: "Rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn". Đây là một quy định chung chung, dễ bị lạm dụng giống như quy định thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trước đây. Do đó, cần quy định rõ ràng về điều kiện điều chỉnh quy hoạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận