Với nhiều quy định được bổ sung, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Riêng về giao thông, có nhiều nội dung cần được làm rõ. Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT đã có cuộc trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Năm 2026, tỉnh duyệt giá đất theo nguyên tắc thị trường
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ các cơ quan doanh nghiệp mà các thành phần xã hội đều tham gia góp ý bởi chuyện đất cát gắn liền với quyền lợi mỗi người dân. Xin hỏi, cơ quan soạn thảo đã nhận được bao nhiêu ý kiến đóng góp và tiếp thu như thế nào?
Ngay từ khi được giao xây dựng dự thảo, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, tập trung thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết 18 của Trung ương.
Chúng tôi đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Với tinh thần cầu thị, việc tiếp thu được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ TN&MT cùng các cơ quan có liên quan sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý dự thảo để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp sau.
Sau nhiều lần chỉnh lý, dự thảo có những thay đổi gì lớn, thưa bà?
Về mặt tư tưởng, chính sách vẫn xuyên suốt theo tinh thần của Nghị quyết 18 của Trung ương. Có thể khẳng định, sau mỗi lần tiếp thu, chỉnh lý thì chất lượng dự thảo được nâng lên.
Dự thảo đưa ra khái niệm "giá thị trường" để bồi thường khi thu hồi đất. Nhưng cơ quan nào sẽ đứng ra xác định giá thị trường và tiêu chí xác định là gì? Bởi người dân lo ngại bảng giá đất của các địa phương không sát với thực tế.
Dự thảo đã bỏ khung giá đất. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, hội đồng thẩm định bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất.
Dự thảo đã giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và thực hiện từ ngày 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Trường hợp bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung trong năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định.
Sở TN&MT có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức tư vấn định giá để xây dựng bảng giá.
UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hội đồng thẩm định bảng giá đất cấp tỉnh. Thành phần tham gia hội đồng có chủ tịch UBND tỉnh là chủ tịch hội đồng, giám đốc sở tài chính làm phó chủ tịch, các thành phần thành viên gồm giám đốc sở, ngành liên quan, chủ tịch UBND các cấp.
Khâu nào sai khâu đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Dự thảo Luật yêu cầu sự độc lập giữa các đơn vị định giá. Vậy làm sao để biết các đơn vị này độc lập, không có sự thông đồng, móc ngoặc, làm sai lệch giá?
Dự thảo Luật Đất đai đã quy định đầy đủ về nguyên tắc, thành phần, quy trình tổ chức thẩm định, tổ chức hoạt động, phương pháp, nguyên tắc, thông tin đầu vào. Từ đó đặt ra yêu cầu các đơn vị thực hiện định giá phải thực hiện đúng theo các quy định trong luật. Như thế để thấy rằng, luật không có khe hở dẫn đến thông đồng, móc ngoặc, các quy trình thực hiện độc lập, khách quan.
Hiện tượng cố tình thông đồng, móc ngoặc làm sai lệch giá thuộc về quá trình thực hiện. Như vậy, sai khâu nào khâu đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một câu hỏi Báo Giao thông nhận được từ rất nhiều bạn đọc, đó là "các dự án phục vụ lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia có áp dụng việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo giá thị trường hay không"?
Một trong những nguyên tắc định giá đất là phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có quyền sử dụng đất, nhà đầu tư.
Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được quy định cụ thể trong luật và áp dụng thống nhất chung đối với các trường hợp, trong đó có dự án giao thông.
Cần thiết sẽ tách riêng dự án bồi thường, GPMB
Dự thảo quy định, trường hợp "thật sự cần thiết" sẽ tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập. Việc này được xem là giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, nhưng hiện vẫn đang có các ý kiến khác nhau. Thưa bà, việc tách dự án dựa trên các tiêu chí nào?
Điều 93 Dự thảo Luật Đất đai quy định:Trường hợp dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách ra thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật về đầu tư công thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định tại luật này.
Điều 261 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 của Luật Đầu tư công đã quy định: Trường hợp thật sự cần thiết, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập trong quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể.
Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm về sự cần thiết, tính khả thi của việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.
Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách riêng từ dự án tổng thể được phân loại tương tự với phân loại của dự án tổng thể theo quyết định chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tách hay không tách riêng thành dự án độc lập thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đầu tư, không thuộc điều chỉnh Luật Đất đai và cũng phải theo phương án, tiến độ của dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự thảo Luật không quy định về dự án TOD
Hiện mô hình dự án TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến lớn trong đầu tư các dự án giao thông trọng điểm và đang được đề xuất thí điểm. Dự thảo Luật có xem xét luật hóa mô hình này?
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, trong đó các dự án giao cho tổ chức phát triển quỹ đất do Nhà nước thành lập để thực hiện dự án tạo quỹ đất, để đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thu địa tô chênh lệch.
Từ đó có ngân sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình công cộng, trong đó có các dự án giao thông. Dự thảo Luật không có quy định về dự án TOD.
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79) và phải thuộc một trong các trường hợp: Dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Dự án đã có quyết định đầu tư theo quy định về đầu tư công, quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Dự án đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định về đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ…
Như vậy, việc thu hồi đất trên cơ sở có dự án cụ thể, và phải có căn cứ cụ thể để đưa đất vào sử dụng hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận