Dưa hấu phơi nắng đầy đồng vì không có người thu mua, người dân khóc ròng... |
Những người dân ở đây cho biết, cách đây gần 1 tháng, giá dưa bán tại ruộng có giá từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá dưa chỉ còn khoảng 1.200 đồng/kg, nhiều nơi không có người đến thu mua. Với mức giá này, các hộ trồng dưa lỗ nặng.
Những ruộng dưa đã đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều gia đình chưa muốn thu hoạch. Sợ phơi nắng hư, nhiều người lấy rơm che đậy. Nông dân trồng dưa như ngồi trên đống lửa.
Ông Đặng Đức Tiến, thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Nếu không bán được thì bây chừ người dân chấp nhận bỏ thôi chứ làm răng chừ? Nếu là đậu thì còn để lâu được, dưa hấu thì khác, để lâu là hư liền. Do vậy, nếu không bán được thì người dân phải bán bò, bán trâu trả nợ thôi. Mấy năm qua, giá cũng bình ổn từ 4 ngàn đồng đến 5 ngàn đồng 1 ký nhưng năm nay 1 ngàn đồng cũng không ai mua nên người dân rất khổ”.
Sợ phơi nắng hư, nhiều người lấy rơm đậy quả dưa lại... |
Ông Lê Xuân Trọng, thôn 2, xã Tam Lộc, Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, ở địa phương hiện, nhiều người không có tiền trả tiền mua phân, tiền công chăm bón. Ai bán sớm còn được chút, nhưng 10 người thì chỉ có 1 người bán được giá thôi, còn lại 9 người khóc.
Đi khắp các nẻo đường liên thông liên xã ở đây, người dân đổ đầy dưa ra đường để bán, có người lại chở dưa đi bán dạo hoặc bán lẻ khắp các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam để mong vớt vát được chừng nào hay chừng ấy. Nhưng với sức mua của thị trường trong tỉnh thì việc tiêu thụ cả ngàn tấn dưa là điều không thể.
Dưa thu hoạch rồi được đổ ra đầy đường bán đổ bán tháo |
Hoặc gánh đi bán dạo khắp nơi để mong vớt vát được chừng nào hay chừng ấy |
Nguyên nhân khiến vùng trồng dưa ở huyện Phú Ninh bế tắc đầu ra do nhiều nơi nông dân đồng loạt trồng dưa. Trong đó, có vùng trồng dưa ở tỉnh Quảng Ngãi với nguồn cung quá lớn, trong khi thị trường tiêu thụ chậm. Mùa này, phía Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch dưa hấu nên hiện ngưng nhập khẩu. Phú Ninh cũng là địa phương chuyên sản xuất dưa lệch thời vụ so với các tỉnh Nam Trung bộ để tránh “đụng hàng” đầu ra. Dưa hấu Kỳ Lý của huyện Phú Ninh lâu nay đã có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dưa hấu Kỳ Lý” cho dưa hấu được sản xuất trên đất Phú Ninh. Thế nhưng năm nay, dưa Kỳ Lý cũng chịu chung “số phận” với dưa hấu các địa phương khác.
Lý giải những khó khăn đầu ra ở thời điểm này, ông Nguyễn Thanh Anh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: Năm nay, mùa mưa kéo dài nên việc sản xuất đúng thời vụ để đảm bảo giá không được như ý muốn. Do đó, một số diện tích kéo dài nên bị trễ so với thời vụ mà mình yêu cầu phải sản xuất để đảm bảo giá theo thời điểm đó. Khi mình chuyển diện tích đất lúa 2 vụ sang trồng dưa để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân thì lại trúng vào những cánh đồng lúa nên không thể sản xuất sớm được.
Một người dân đứng thở dài ngán ngẩm nhìn ruộng dưa đến ngày thu hoạch nhưng lại không muốn thu hoạch vì không có người mua |
Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã đưa vào quy hoạch 400 héc ta dưa. Năm nay, diện tích dưa tăng thêm 90 héc ta. Diện tích nông dân đã thu hoạch khoảng 350 héc ta, với giá bán tại ruộng khoảng từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/ 1kg. Diện tích còn lại do thời điểm xuống giống đất bị ướt nên trễ vụ, giá bán hiện tại có nơi chưa đến 1.000 đồng/1 kg.
“Cũng giống như một số loại cây trồng khác, vụ thu hoạch dưa hấu năm nay ở tỉnh Quảng Nam không tránh khỏi vòng lẩn quẩn của thị trường đầu ra và điệp khúc “được mùa mất giá”. Chính quyền huyện Phú Ninh đang vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm mua dưa giúp nông dân với giá 4.000 đồng/ 1kg. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm cứu vãn được chừng nào hay chừng ấy”, ông Anh nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận