Chư Đang Ya thuộc địa phận làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30km về hướng Đông bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20 km. Theo tiếng đồng bào Jrai, Chư Đăng Ya có nghĩa là "củ gừng dại"...
Bức ảnh núi lửa Chư Đang Ya (tỉnh Gia Lai) từ trên cao đã trở thành một trong 50 bức ảnh phong cảnh đẹp nhất của cuộc thi Landscape 2020 do ứng dụng Agora tổ chức. Ảnh: Hoà Carol - Nguyễn Ngọc Hoà
Đây là một trong những ngọn núi lửa từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm, nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ.
Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử. Đặc biệt, vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm, núi lửa Chư Đăng Ya được bao phủ bởi những cánh hoa dã quỳ xung quanh ngọn núi và cả trên địa bàn huyện. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, nơi này có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, nếu được quy hoạch đầu tư xây dựng làng văn hoá du lịch sẽ mang tới nhiều sự phát triển cho vùng.
Năm 2020, bức ảnh Chư Đăng Ya của nhiếp ảnh gia Hoà Carol - Nguyễn Ngọc Hoà (SN1981, trú tại TP. Pleiku) đã gửi đến cuộc thi ảnh phong cảnh Landscape 2020. Trong số 14.739, tấm ảnh thì ngọn núi lửa giữa hoang sơ ở Chư Păh được Ban tổ chức chọn ra top 50 bức đẹp nhất.
Tấm ảnh cho người xem một ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm tạo nên một cảnh đẹp thơ mộng, một môi trường trong lành và bình yên giữa đất trời cao nguyên. Ngọn núi lửa cũng khắc hoạ lại một dấu tích của hình thành bề mặt trái đất.
Một du khách ở Chư Đăng Ya.
Tác giả Hoà Carol cho biết: “Một trải nghiệm thú vị khi săn được những tấm hình đẹp, đưa đến nhiều cảm xúc cho bản thân và người xem. Tôi mong muốn được quảng bá nhiều hơn mảnh đất Gia Lai qua những tấm ảnh đẹp. Và từ những tấm ảnh ấy, mọi người có thể cảm nhận và tìm đến với Gia Lai”. Cũng theo nhiếp ảnh gia này: Khi mạng xã hội phát triển cùng với đó là việc chia sẻ thông tin của mọi người đã giúp cho quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương thêm nhiều thuận lợi.
Theo UBND huyện Chư Păh, huyện này có rất nhiều tài nguyên du lịch đến nay chỉ ở dạng “tiềm năng” chưa phát huy hết lợi thế của địa phương. Đơn cử như: Núi lửa Chư Đăng Ya, ngọn núi lửa nguyên sơ độc đáo ở Bắc Tây Nguyên; cụm thắng cảnh đồi chè, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh; Thuỷ điện Ia Ly; bên cạnh đó du khách còn thưởng ngoạn ngọn Chư Nâm để thấy mây trôi khắp trời cao nguyên... Cùng với đó là văn hoá lễ hội độc đáo và ẩm thực phong phú làm cho du khách càng thấy hài lòng hơn với mỗi lần đến tham quan.
Thảm hoa dã quỳ nở trên núi lửa Chư Đăng Ya tuyệt đẹp.
Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, cho biết: "Nằm giữa 2 thành phố Pleiku và thành phố Kon Tum, đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua nên về giao thông rất thuận lợi. Nhiều năm qua, huyện đã trở thành một trong những điểm hút khách du lịch ở Bắc Tây Nguyên. Nhiều người biết đến huyện này bởi sự lan toả của hình ảnh địa phương trên mạng xã hội, báo chí và được nhiều người tìm kiếm và đã trở thành điểm đến trong chuyến hành trình đến Gia Lai".
Người đứng đầu chính quyền huyện Chư Păh cho rằng, mục tiêu phát triển du lịch đối với địa phương hiện nay cần phải đưa ra các giải pháp cụ thể, nhằm tăng tổng số lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tạo các loại hình du lịch hấp dẫn nhằm tăng chỉ tiêu bình quân và doanh thu từ du lịch trên địa bàn Chư Păh; Xây dựng định hướng phát triển về không gian du lịch, xác định các khu, tuyến, điểm chủ yếu cho phát triển du lịch; Xây dựng định hướng phát triển các thị trường khách và sản phẩm du lịch;
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch cũng như đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện Chư Păh.
Dã quỳ tạo nên những đường kim tuyến trên đường lên núi lửa Chư Đăng Ya.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận