Công nghệ BIM - GIS là công nghệ áp dụng xây dựng mô hình thông tin công trình (BIM) và tích hợp mô hình thông tin công trình vào hệ thống thông tin địa lý (GIS) để khảo sát và quản lý luồng tuyến trong giao thông và xây dựng hạ tầng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thuỷ TP.HCM cho biết, ứng dụng công nghệ khảo sát kiểm tra BIM - GIS trên các luồng tuyến có độ chính xác cao, chi phí giảm. Đồng thời ứng dụng xác định được tim luồng, đường chỉ giới bờ sông sẽ giám sát được việc lấn chiếm đường thuỷ.
"Ứng dụng công nghệ BIM sẽ kiểm soát được phát sinh trong khu vực trên mặt sông hoặc từ bờ vào trong đất liền. Với những ứng dụng đó, bằng công nghệ số chúng ta sẽ làm tốt để thực hiện những ứng dụng tiếp theo. Ngoài ra, đối với chủ tàu, thuyền trưởng có thể tham khảo thông tin dữ liệu trên để kiểm soát độ an toàn khi di chuyển", ông Tuấn nói.
Theo Sở GTVT, công nghệ BIM - GIS áp dụng xây dựng mô hình 3D công trình (BIM) và tích hợp mô hình thông tin công trình vào hệ thống thông tin địa lý (GIS) để khảo sát và quản lý luồng tuyến.
Việc số hóa dữ liệu khảo sát, thông tin luồng đường thủy nội địa, các công trình trên tuyến và trên cạn sẽ tích hợp lên cổng thông tin điện tử của Sở GTVT TP.HCM, Trung tâm Quản lý đường thủy, nhằm phục vụ công tác quản lý, khai thác hạ tầng đường thủy, đồng thời cung cấp thông tin cho người dân.
Hiện thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quản lý trên 60km tuyến đường thuỷ nội địa được Trung ương phân cấp. Đơn vị thực hiện là Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Trước đó, Trung tâm Quản lý đường thủy đã hoàn thành mô hình số hóa hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy của TP.HCM với tổng chiều dài hơn 522,8km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận