Bộ GTVT vừa có Văn bản số 9990/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này liên quan đến việc xem xét đầu tư nâng cấp Quốc lộ 63 (đoạn từ tỉnh Cà Mau đến tỉnh Kiên Giang), đáp ứng nhu cầu lưu thông an toàn cho nhân dân.
Bộ GTVT cho biết sẽ đưa vào khai thác dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 63 đoạn qua nội thị TP Cà Mau trong quý IV/2022. Ảnh minh hoạ
Theo cử tri tỉnh Cà Mau, Quốc lộ 63 đã hình thành từ rất lâu, là trục giao thông chính, mật độ nhà dân sinh sống, mưu sinh dọc theo tuyến Quốc lộ rất đông; xe lưu thông trên tuyến khá lớn với đa dạng các loại phương tiện như: xe buýt, xe khách, xe vận chuyển hàng hóa, xe vận chuyển rác thải (do nhà máy xử lý rác thải của tỉnh đặt tại khu vực tuyến đường này); chợ dân sinh, nhiều điểm trường học...
Tuy nhiên, mặt đường hẹp (chỉ rộng bằng hoặc nhỏ hơn 5,5m), gồ ghề, lởm chởm; thường xuyên ngập nước vào mùa mưa, thời điểm thủy triều dâng; khi 02 ô tô lưu thông ngược chiều hoặc vượt nhau, thì xe mô tô, xe đạp… phải dừng hoặc nép sát vào hai bên đường, rất dễ té ngã; thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, rất dễ xảy ra tai nạn,…
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Quốc lộ 63 đoạn qua tỉnh Cà Mau dài 39 km, quy mô quy hoạch cấp III, 2 - 4 làn xe. Để đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn Km74+200 - Km112+782,59 thuộc địa phận tỉnh Cà Mau tại Quyết định số 1782/QĐ-BGTVT ngày 25/6/2010 với quy mô cấp IV, 2 làn xe, riêng đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau theo quy hoạch địa phương có quy mô 4 làn xe.
Trong quá trình triển khai do nguồn vốn khó khăn và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8035/VPCP-KTN ngày 25/9/2013, Dự án chỉ được bố trí vốn để triển khai đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau (Km110+323,27 - Km112+782,59) từ năm 2013; đến năm 2020 Dự án chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành.
Vì vậy, để hoàn thành Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cân đối từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1070/QĐ-BGTVT ngày 14/6/2021.
Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn tất các thủ tục để bàn giao đưa vào khai thác trong quý IV/2022. Các đoạn còn lại hiện có quy mô cấp V, 2 làn xe.
Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau về việc đầu tư Quốc lộ 63 đối với các đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả tuyến đường, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, đảm bảo an ninh quốc phòng cho tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
"Tuy nhiên, do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối bố trí cho dự án này. Bộ GTVT ghi nhận và sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn", Bộ GTVT cho biết thêm.
Trước mắt, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối khoảng 7.789 tỷ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn Km74+200 - Km112+782,59; dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận