Quy trình đăng kiểm ô tô tại Đức như thế nào?
Tại Đức, việc kiểm định xe cơ giới trở thành quy định bắt buộc từ năm 1951 và do các công ty tư nhân thực hiện.
Trước đây, công ty tư nhân mang tên Technischen Überwachungsvereine (viết tắt TÜV) độc quyền về kiểm định ô tô tại Đức nhưng hiện tại đã có rất nhiều công ty được cấp phép tham gia vào hoạt động này như DEKRA, GTÜ và KÜS.
Để có thể kiểm định xe, người dân nước này có thể đưa xe tới bất cứ xưởng nào của các công ty được đề cập tới ở trên hoặc các xưởng ô tô có hợp đồng với các công ty kiểm định.
Các chủ xe cũng có thể đặt lịch hẹn trực tuyến hoặc qua điện thoại, cung cấp thông tin cá nhân của chủ xe và xe (như giấy phép lái xe, thương hiệu xe, đời xe…) để hạn chế phải chờ đợi.
Ảnh minh họa tem đăng kiểm tại Đức.
Về thời hạn kiểm định, xe mới sẽ không cần đăng kiểm và các loại xe khác nhau sẽ có thời hạn kiểm định khác nhau. Thêm vào đó, thời hạn của lần kiểm định đầu tiên khác với các lần kiểm định sau.
Chẳng hạn với ô tô mới dưới 8 chỗ, 3 năm kể từ khi mua, chủ xe mới cần đi đăng kiểm lần đầu. Sau lần kiểm định này, cứ 2 năm, chủ xe phải đưa phương tiện đi đăng kiểm 1 lần.
Mỗi quy trình kiểm định sẽ gồm 2 phần: Kiểm tra mức độ phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông của phương tiện; Kiểm tra khí thải.
Phần kiểm tra khí thải thường được thực hiện trước phần kiểm tra an toàn, trong đó các kiểm định viên sẽ đo mức độ phát thải qua ống xả của phương tiện như nồng độ C02, C0 và cả muội than - trong trường hợp đó là xe diesel.
Trước năm 2018, các kiểm định viên thường chỉ đọc qua hệ thống tự chuẩn đoán lỗi trên xe (OBD) và cho đó là đủ, không thực hiện thêm các biện pháp đo lường khí thải khác.
Song sau thời gian này, phương pháp đo khí thải từ ống xả được đưa trở lại. Kiểm định viên sẽ đo nồng độ khí thải khi xe ở tốc độ và nhiệt độ khác nhau.
Trong quá trình kiểm tra, nếu trên xe xảy ra bất cứ lỗi về cơ khí hay điện tử, chủ xe sẽ có 4 tuần để khắc phục.
Mã hóa màu cho tem kiểm định
Sau khi hoàn tất toàn bộ quá trình, xe sẽ được cấp tem kiểm định với thời hạn 2 năm.
Mỗi tem có hình dạng như chiếc đồng hồ hiển thị năm và tháng của đợt kiểm định sắp tới. Chẳng hạn, một tem kiểm định có số 18 ở chính giữa hình tròn có nghĩa xe có giá trị kiểm định tới năm 2018. Còn phần tháng sẽ ở vị trí tương đương số 12 trên đồng hồ.
Từng năm, Cơ quan quản lý sẽ thay đổi màu tem kiểm định để lực lượng chức năng có thể nhận ra từ xa.
Ví dụ một mẫu tem kiểm định
Trước khi đi đăng kiểm, các chủ xe cũng phải đối chiếu với một danh sách các hạng mục cần tự kiểm tra để quá trình kiểm định diễn ra thuận lợi như hoạt động của dây an toàn; gương chiếu hậu (cả bên trong và bên ngoài), không có vết nứt hoặc hư hỏng trên xe;…
Chi phí kiểm định sẽ tùy thuộc vào loại xe, trọng lượng phương tiện. Tuy nhiên, mức phí kiểm định kỹ thuật định kỳ thường là 70 đến 80 euro (khoảng 1,7 triệu VNĐ đến 2 triệu VNĐ) đối với xe máy; từ 100 đến 200 euro (từ 2,5 triệu VNĐ đến 5 triệu VNĐ) đối với ô tô và các phương tiện khác.
Đây chỉ là chi phí để tiến hành kiểm định và chủ xe sẽ cần trả thêm nếu xe cần phải sửa chữa (nếu có).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận