Gần 3 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến vụ tai nạn thảm khốc khiến 39 người Việt tử vong trong thùng container tại Anh, nhiều người vẫn rùng mình, xót xa.
Những đau đớn, mất mát do tình trạng vượt biên đi tìm “miền đất hứa” không phải chỉ đến khi vụ việc trên xuất hiện.
Công an làm việc với người nhà nạn nhân 15 tuổi ở Gia Lai bị lừa sang Campuchia ép làm việc, chưa cho về nước vì gia đình chưa nộp tiền phạt. Ảnh: PLO
Trước đó, và cả từ sau vụ việc đó đến nay, vẫn có nhiều người chấp nhận mạo hiểm để đi tìm tương lai ở những nơi mà mình chưa biết rõ thế nào.
Điển hình là gần đây, rộ lên tình trạng nhiều thanh, thiếu niên bị lừa sang Campuchia với lời quảng cáo chào mời “việc nhẹ lương cao”, để rồi phải nhận lấy kết cục bi đát.
Một thanh niên ở Bắc Giang khi biết bị lừa thì không còn đường trở về, dù gia đình đã nộp 80 triệu đồng tiền chuộc. Thanh niên này còn bị bắt ép ở lại để mỗi tháng phải lừa thêm được 5 nạn nhân mới.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận hơn 20 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa bán lao động sang Campuchia. Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra làm rõ 4 vụ với 8 đối tượng. Công an tỉnh Phú Yên cũng tiếp nhận, xác minh 6 vụ với 6 người bị dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia, sau đó mất tích.
Có thể nói, tình trạng đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia lao động đang rất phức tạp, diễn ra tại nhiều địa phương, gây nhức nhối cho toàn xã hội.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa người sang Campuchia là dùng mạng xã hội tiếp cận với “con mồi”. Chúng thường đưa ra những lời chào mời hấp dẫn, chủ yếu là giới thiệu “việc làm nhẹ nhàng, lương cao” để lôi kéo nạn nhân.
Sau khi các nạn nhân dính bẫy, chúng tổ chức vượt biên trái phép sang Campuchia để bán lại cho người khác.
Lúc này, các nạn nhân mới phát hiện chẳng hề có “việc nhẹ lương cao” nào cả, trái lại còn phải làm việc rất nặng nhọc, thậm chí bị ép làm nô lệ tình dục, bị bỏ đói và tra tấn dã man nếu có ý định trốn.
Nhiều nạn nhân không chịu nổi, đã tự tử để thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian”. Những ai muốn chuộc thân để trở về nước thì gia đình phải bỏ ra một số tiền rất lớn.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, người không có việc làm, hoàn cảnh lại khó khăn. Cái nghèo và sự thiếu hiểu biết khiến không ít người trở thành “mồi ngon” của kẻ xấu.
Ngoài ra, các thanh, thiếu niên tham vọng đổi đời, mong muốn làm giàu thật nhanh cũng dễ dàng “sập bẫy”.
Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng này, việc cần làm ngay là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhằm giải cứu những nạn nhân còn mắc kẹt ở nước bạn. Tăng cường an ninh biên giới cũng như triệt phá các băng nhóm tội phạm mua bán người cũng là giải pháp cần làm nhanh, quyết liệt.
Song song đó, các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, cảnh báo cho người dân, nhất là giới trẻ, giúp họ hiểu rõ bản chất, thủ đoạn và hậu quả khi trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người.
Đồng thời, làm sao để họ hiểu được rằng, trong cuộc sống, không bao giờ có “việc nhẹ lương cao”. Mọi thành quả đều phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng cả quá trình phấn đấu, lao động bền bỉ mới có được.
Trương Chí Hùng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận