Xã hội

Đừng biến Tết thành cơ hội chạy đua, hối lộ

09/02/2015, 06:37

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết "quá ít người nộp lại quà Tết".

31
Ông Vũ Quốc Hùng.

"Biếu quà Tết là một việc làm có ý nghĩa tốt và rất đáng trân trọng, vì thế đừng vì bất cứ một lý do nào đó mà biến Tết trở thành dịp để chạy đua, lo lót cho việc hối lộ, chạy chức, chạy quyền" - Đó là chia sẻ của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong cuộc trao đổi với PV Báo Giao thông xung quanh câu chuyện văn hóa biếu quà Tết.

Quà Tết mang theo toan tính cá nhân

Nhiều năm trở lại đây, cứ mỗi dịp gần Tết lại rộ lên chuyện “quà cáp, biếu xén”. Ông nhìn nhận như thế nào về văn hóa biếu quà Tết?

Từ xưa đến nay, tặng quà Tết luôn là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa truyền thống. Những món quà tặng vào dịp Tết thường mang giá trị về tinh thần, là cách để người tặng quà bộc lộ sự tri ân chân thành đối với những người thân trong gia đình hoặc những người có công giúp đỡ, dạy dỗ mình. Những món quà không nặng về vật chất ấy là một nét đẹp khiến tình cảm giữa con người và con người càng thêm gắn bó. Biếu quà Tết vì vậy mà trở thành một phong tục không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới.

Biếu quà Tết vốn dĩ là một việc tốt, ý nghĩa, nhưng trong vài năm trở lại đây, ý nghĩa đó không còn nữa. Nhiều người đã lợi dụng dịp Tết như một cơ hội để “chạy đua”, lo lót cho việc hối lộ, đút lót, chạy chức chạy quyền. Những món quà tặng có giá trị hàng chục triệu không thể chỉ với ý nghĩa cảm ơn thông thường mà sau đó chắc chắn phải có lợi ích và sự toan tính cá nhân.

Vậy theo ông, vì đâu có yếu tố toan tính này? Từ cấp trên đòi hỏi, hay từ cấp dưới chủ động biếu xén vì mục đích cá nhân?

Nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía, vì vậy, muốn chống cũng phải chống từ hai phía. Nhưng tôi nghĩ, cái quan trọng là do tâm lý của một số cán bộ cấp trên “thích nhận quà”. Nếu cấp trên không thích, kiên quyết từ chối thì chắc không ai có thể biếu được. Còn về phía cấp dưới, tôi nghĩ chẳng ai muốn bỏ ra một khoản tiền lớn rồi khúm núm mang quà đến tặng sếp. Chẳng qua là vì họ nghĩ làm như vậy họ sẽ nhận được sự ưu ái hay sự đãi ngộ đặc biệt nào đó mà thôi.

Biếu quà Tết nếu vì tình cảm giữa con người với nhau thì rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu vì mục đích và tính chất vụ lợi thì sẽ lại là câu chuyện khác.

Quá ít người nộp lại quà Tết

Vừa rồi, Thanh tra Chính phủ công bố năm 2014, cả nước có 32 người nộp lại quà Tết. Ông nghĩ sao về con số này?

Nếu để nói một câu đánh giá thì con số như thế là quá ít. Tuy nhiên, con số này lại không thể nói hết được bản chất vấn đề. Bởi, có những người ngại nộp lại quà Tết vì không muốn làm ầm ĩ lên. Nhưng có những người mà tôi biết, khi có quà Tết, họ không hưởng số quà đó mà gửi đến các cơ sở từ thiện và các cơ quan có trách nhiệm để chuyển đến ủng hộ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Với “hủ tục” mọi người đua nhau đi biếu quà Tết cho những người mà mình chịu ảnh hưởng, chi phối cuộc sống, công việc của mình là một việc đáng lên án. Nhưng đừng vì thế mà quy chụp, đánh đồng để rồi làm mất đi cả một nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay.

Có ý kiến cho rằng, Tết luôn là một dịp tốt cho việc đưa quà biếu hối lộ, đút lót hay chạy chức, chạy quyền. Ông nghĩ sao?

Cái đó là đúng, là phải thừa nhận. Nhưng khổ nỗi, có cung thì có cầu. Thực tế vẫn có một số cán bộ công chức đang coi ngày Tết là dịp để “tăng thu nhập”, lợi dụng ngày Tết để vụ lợi cho bản thân. Biếu quà Tết thực chất là một việc làm có ý nghĩa tốt và rất đáng trân trọng, vì thế đừng vì bất cứ một lý do nào đó mà biến Tết trở thành dịp để chạy đua, lo lót cho việc hối lộ, chạy chức, chạy quyền. Đây là nói về một xu hướng khá phổ biến chứ không chụp mũ cho tất cả mọi người, mọi trường hợp. Biếu quà Tết là một vấn đề rất tế nhị, nếu không khéo léo sẽ dễ gây hiểu lầm và có sự lẫn lộn, làm mất đi nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Cần phải nhấn mạnh rằng, vào ngày Tết, để thể hiện tình cảm giữa con người với nhau, người ta tặng nhau một món quà Tết là đáng quý và đáng trân trọng. Tuy nhiên, riêng với các trường hợp biếu quà Tết có giá trị vật chất lớn đều có tính toán đến lợi ích cá nhân, thì cần phải lên án và ngăn chặn ngay. Tôi nghĩ, một món quà ý nghĩa là một món quà phù hợp với đối tượng được nhận quà.

Với một món quà thể hiện tình cảm giữa con người thì không bao giờ phải là những món đồ giá trị lớn.

Các Thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành phải thật nghiêm trong chuyện này, phải kiên quyết không nhận quà Tết từ cấp dưới. Về cấp dưới, cũng phải luôn nghĩ rằng, mình đừng bao giờ vì mục đích gì đó mà phải tìm cách đút lót, hối lộ bằng cách này hay cách kia, càng không nên lợi dụng dịp Tết để làm những việc đó.

Tết là một dịp để con người ta thể hiện sự quan tâm và tình cảm dành cho nhau. Hãy đến với nhau bằng những tình cảm cao đẹp chứ đừng vì mục đích vụ lợi cá nhân. Thay vì cấp dưới phải đến nhà cấp trên biếu quà, thì những người là lãnh đạo, là cấp trên nên đến thăm hỏi nhà nhân viên cấp dưới, đặc biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa hoặc với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.