Xã hội

Dùng cát xây san lấp khu dân cư trăm tỷ Phú Yên: Lo lãng phí tài nguyên?

12/06/2021, 16:53
image

Chỉ riêng dự án Khu TĐC Hòa Tâm (TX.Đông Hòa, Phú Yên), các hạng mục san lấp hầu hết được dùng bằng cát, với khối lượng 1,2 triệu khối.

img

Cát từ sông Đà Rằng, vốn dùng trong xây, trát công trình được ồ ạt chở san lấp mặt bằng khu TĐC Hòa Tâm theo phê duyệt của UBND tỉnh Phú Yên (ảnh chụp ngày 5/6)

Ồ ạt chở san lấp mặt bằng

Theo chân đoàn xe chở cát có dấu hiệu quá tải từ khu vực khai thác giữa sông Đà Rằng, PV tiếp cận công trường dự án Hạ tầng khu tái đinh cư Hòa Tâm (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên) trên địa bàn 2 xã Hòa Xuân Đông và Hòa Tâm (TX.Đông Hòa, Phú Yên). Tại đây, nhiều máy san ủi đang hoạt động hết công suất, san gạt từng thớ cát mịn để lấy cao độ mặt bằng.

Dễ thấy, ngoài trừ đường giao thông nội bộ, toàn bộ khu vực còn lại của dự án được đổ cát cao đến vài ba mét. Theo người dân, đơn vị thi công, cát dùng để san lấp thực chất là cát xây, cát tô công trình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vi Hoàng Lam, Phó trưởng BQL đầu tư hạ tầng khu kinh tế (thuộc BQL Khu kinh tế tỉnh Phú Yên, chủ đầu tư dự án) xác nhận, công trình được tỉnh phê duyệt san lấp chủ yếu bằng cát. Ngoài một số phần kết cấu đường giao thông nội bộ phải dùng đất, cấp phối… việc san lấp còn lại chủ yếu bằng cát, với tổng khối lượng khoảng 1,2 triệu khối.

Để triển khai dự án, từ năm 2017, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định bổ sung hạng mục mỏ cát tại sông Đà Rằng (thuộc thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành, huyện- nay là TX. Đông Hòa) với quy mô khoảng 20 ha, để nhà thầu (Tổng công ty CP Thành Trung) khai thác cát phục vụ thi công sàn nền, nền đường cho dự án.

Theo ông Lam, việc sử dụng cát san lấp do đây là khu vực nền đất yếu. Tại đoạn đường nội bộ, UBND tỉnh Phú Yên cho phép xử lý nền đất yếu bằng giếng cát thay cho giải pháp xử lý đào thay thế lớp đất yếu bằng đệm cát với chiều dày trung bình 2,5m.

Ông Lam cũng cho rằng, nguồn đất đắp của Phú Yên khan hiếm, trong khi đó nguồn cát dồi dào, nên UBND tỉnh cho phép thu hồi cát trên sông Đà Rằng và không tính tiền vật liệu này vào chi phí cấu thành tổng mức đầu tư dự án. Nhà thầu san lấp chỉ được thanh toán tiền vận chuyển, công khai thác, chi phí thuế, phí cát theo quy định hiện hành.

Lo lãng phí tài nguyên?

img

Những khối cát xây được tập kết san lấp khu TĐC Hòa Tâm

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lan, Giám đốc Trung tâm KHCN&TV đầu tư (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), giảng viên chính Khoa Xây dựng cầu đường cho biết, để xử lý nền đất yếu chỉ cần bóc lớp đất yếu, và đắp cát dày từ 0,5-1m. Tùy theo quy mô công trình, địa chất, tính chất xử lý nền đất yếu khối lượng vật liệu cát sẽ có tính toán phù hợp. Việc san lấp bằng cát sẽ kéo theo nguy cơ tăng vốn bởi vật liệu cát đắt hơn đất đắp nhiều lần.

Theo ông Trần Xuân Đính, Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng Miền Trung - Tây Nguyên (Hội Vật liệu xây dựng VN), việc san lấp dự án có thể sử dụng nhiều vật liệu khác nhau: đất, cát... Nhưng nếu san lấp chủ yếu bằng cát sẽ có nguy cơ lãng phí tài nguyên, bởi đây là loại khoáng sản đặc biệt. Phú Yên có thể có trữ lượng cát lớn, nhưng không vì thế mà quá lãng phí, trong khi thực tế nhiều địa phương khác đang khan hiếm khối lượng cát, đặc biệt cát tô, cát xây công trình.

Ghi nhận PV, được Phú Yên cấp phép thu hồi cát trên 20ha lòng sông Đà Rằng phục vụ san lấp dự án KTĐC Hòa Tâm, từ năm 2017, nhà thầu Công ty CP Thành Trung khai thác cát không khác gì điểm mỏ. Nhưng đến ngày 8/5/2020, UBND tỉnh Phú Yên mới ban hành Quyết định 738 về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát thu hồi từ dự án Hạ tần khu TĐC Hòa Tâm. Trong đó, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 68.000 đồng/m3, tổng số tiền chủ đầu tư (BQL Khu kinh tế tỉnh Phú Yên) phải nộp hơn 3,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc sử dụng cát san lấp mặt bằng cũng sẽ gia tăng chi phí tính thuế, phí tài nguyên môi trường. Căn cứ bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2017 (thời điểm triển khai dự án Khu TĐC Hòa Tâm-NV), giá tính thuế đất chỉ 60.000 đồng/m3, nhưng giá cát san lấp 68.000 đồng/m3, và giá cát đen xây dựng 85.000 đồng/m3. Lấy tổng khối lượng san lấp (1,2 triệu khối) nhân với tiền đóng thuế, phí môi trường, thấy mức chênh thuế, phí môi trường lớn giữa vật liệu cát và vật liệu đất san lấp.

Thực tế, dự án hiện được UBND tỉnh Phú Yên điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 450 tỷ đồng (tăng hơn 33 tỷ đồng so với Quyết định năm 2016 của tỉnh). Trong đó riêng chi phí xây dựng tăng hơn 60 tỷ đồng.

img

Bạt ngàn cát để san lấp công trình với tổng khối lượng lên đến 1,2 triệu khối.

img

Với giá chênh lệch thuế phí tài nguyên giữa đất san lấp và cát san lấp (chưa kể cát xây) làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng, bên cạnh đó BQL Khu kinh tế tỉnh phải đóng hơn 3,6 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác, thu hồi 20ha cát ở sông Đà Rằng để san lấp dự án này.

img

Cát được nhà thầu Thành Trung khai thác sai vị trí

img

Chở quá tải, rơi vãi vật liệu... trên cung đường phục vụ san lấp dự án Khu TĐC Hòa Tâm

>>>> Xem thêm Clip cả triệu khối cát được dùng san lấp dự án khu TĐC Hòa Tâm

"Lỗ hổng" quản lý nguồn cát thu hồi?

Ngày 5/6, trong vai doanh nghiệp có nhu cầu mua đất, cát san lấp dự án gần ngã ba đèo Cả, PV được giới thiệu liên hệ với một người tên Q. của Tổng Công ty CP Thành Trung. Trao đổi qua điện thoại, ông này hướng dẫn, nếu lấy đất thì lấy từ mỏ đá Thành An (trên huyện Phú Hòa), cách dự án chừng 30km, còn lấy cát thì gần hơn, ngay phí TP.Tuy Hòa. Giá cát khoảng 45-50.000 đồng/khối, nếu chở đến chân công trường sẽ có giá khoảng 90.000 đồng/khối.

Thực tế hiện trường khai thác cát những ngày đầu tuần tháng 6 vừa qua, PV ghi nhận, nhà thầu san lấp đang tổ chức các xe đào, múc cát ngay giữa lòng sông Đà Rằng, không đúng vị trí, tọa độ được cấp phép.

Phản ánh dấu hiệu khai thác sai vị trí, bán cát ra ngoài của nhà thầu Thành Trung lên Sở TN&MT Phú Yên, lãnh đạo Sở này cho biết, thẩm quyền thuộc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, khai thác đúng sai vị trí do chủ đầu tư quản lý, còn sở TN&MT chỉ theo dõi về số lượng sai thác.

Theo ông Lam, tỉnh phê duyệt 20 ha diện tích thu hồi cát lòng sông Đà Rằng để san lấp dự án Khu TĐC Hòa Tâm. Nếu nhà thầu bán ra ngoài là sai quy định. Chủ đầu tư sẽ kiểm tra thông tin này. Riêng việc Thành Trung khai thác sai vị trí, ông Lam cho rằng: chỗ này nhà thầu sử dụng để “tập kết” cát và chở ra công trường (?).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.