Đừng để ngư dân sợ tàu thép khủng |
Con tàu hạ thủy tháng 6/2014 và thực hiện hải trình vươn khơi nghề cá vây rút giữa biển trời Hoàng Sa - Trường Sa.
Trực tiếp trên tàu trong chuyến mở biển đầu tiên, người viết tận mắt chứng kiến những “khuyết tật” trên con tàu vỏ thép lừng lững: Trục tời hư, gãy trục, dính lưới... Gần tuần lễ, những thợ máy lành nghề trắng đêm khắc phục sự cố. Hư vẫn hoàn hư. Tàu Sang Fish đành quay về nằm bờ, sửa chữa. Chuyến biển lỗ nặng.
Cận cảnh tàu thép tiền tỷ vừa "xuống nước" đã... hỏng
Gần 3 năm sau sự cố tàu thép, chàng trai trẻ vẫn tiếp tục khát vọng mở biển. Nhưng giấc mơ về đội “tàu thép khủng” mờ dần trong Sang. “Ban đầu, tôi định đầu tư thêm nhiều tàu thép mới, lập thành một biên đội tàu khủng đủ sức phát triển nghề cá hiện đại, khép kín từ đánh bắt đến hậu cần, nhưng....”, giọng Sang không còn “tươi” như ngày làm lễ hạ thủy tàu Sang Fish.
Không riêng Sang, nhiều chủ tàu cá vỏ thép khác cũng đang rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Từ khi “phong trào” Nghị định 67 của Chính phủ lan rộng khắp các làng biển cả nước, ngư dân hồ hởi tham gia. Nhiều địa phương siết chỉ tiêu, bình chọn khắt khe các hộ ngư dân được hưởng cơ chế ưu đãi về vốn, lãi vay đóng mới tàu cá... Nghị định 67 kỳ vọng “thay da đổi thịt” nghề tàu cá vốn cũ kỹ, lạc hậu như nền nông nghiệp lúa nước. Các đội tàu công suất lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ tối tân... sẽ giảm tối đa rủi ro trong đánh bắt hải sản; nâng cao chất lượng khai thác; hạn chế thiệt hại trong hoàn cảnh thiên tai, “nhân tai” (bị tàu nước ngoài đâm, phá chìm phi pháp...), góp phần quan trọng để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhiều con tàu thép đã và đang bộc lộ các khuyết tật từ vận hành đến khai thác ngay trong những hải trình đánh bắt đầu tiên. Ngư dân thêm ăm ắp lo lắng ngay trên những con tàu khủng này.
Phía cơ quan chức năng khẳng định tàu cá được đóng mới đúng thiết kế, tiêu chuẩn... Nhưng tiêu chuẩn gì, như thế nào thì chưa có sự thống nhất hoàn toàn giữa nhà quản lý - ngư dân và chất lượng tàu vỏ thép phải được chứng tỏ qua vận hành thực tiễn hơn mọi thứ cam kết trên giấy.
Chỉ 1 năm cho thời hạn bảo hành, ai sẽ dám chắc những khuyết tật phát sinh khi hạ thủy, khai thác tàu vỏ thép sẽ được khắc phục triệt để. Ngư dân sẽ phải “tự bơi” giữa việc đánh bắt thiếu ổn định và áp lực trả lãi - gốc cho NH. Không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao, các cơ chế chính sách sẽ khó phát huy tác dụng. Hơn ai hết, những ngư dân trên con tàu vỏ thép mang theo mơ ước hiện đại hóa nghề cá sẽ dễ bị nản lòng, suy sụp nếu “tàu khủng” vừa đưa vào sử dung đã liên tục trục trặc, hỏng hóc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận