Ngày 12/11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Dự án được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao.
ĐBQH đặt nhiều kỳ vọng
Là người đầu tiên phát biểu trong phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) khẳng định ông và nhiều cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này. “Kỳ vọng ở đây không chỉ là sân bay Long Thành sẽ bổ sung cấp thiết cho hệ thống hạ tầng cảng hàng không nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung mà bởi đây là lời khẳng định chúng ta có khả năng thực hiện dự án lớn, tầm cỡ khu vực và quốc tế”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay đã qua 4 năm nhưng Báo cáo nghiên cứu khả thi vẫn chưa được duyệt.
“Nguyên nhân chậm thì rất nhiều. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng nằm ở quy trình, thủ tục thực hiện dự án quá phức tạp. Dự án càng lớn thì càng nhiều cơ chế, ví dụ việc lựa chọn nhà đầu tư”, ông Hải nói và cho rằng, mặt tích cực của việc đấu thầu là đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhưng đi kèm theo đó là những bất cập như mất nhiều thời gian, có thể phát sinh những vấn đề phức tạp. Trước đây, chỉ riêng việc thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga hành khách sân bay Long Thành đã mất 2 năm, giờ nếu đấu thầu lựa chọn nhà thầu có thể mất đến 2 năm nữa. “Lúc đó có bao nhiêu cơ hội đầu tư sẽ bị bỏ lỡ”, ông Hải nói.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, nếu giao dự án cho một doanh nghiệp trong nước thì sẽ có một tương lai, có một ngành công nghiệp hàng không đột phá trong giai đoạn sắp tới.
Tranh luận việc giao ACV đầu tư
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm không đồng ý giao Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV làm sân bay Long Thành như đề xuất của Chính phủ. Bởi theo ông Cường, các lý do như: ACV là đơn vị có kinh nghiệm, có nguồn vốn; việc thực hiện không qua đấu thầu có thể tiết kiệm được thời gian... là chưa thuyết phục.
Ông Cường đặt vấn đề: Việc chỉ định thầu cho ACV có thể rút ngắn được 1,5 năm nhưng trong toàn bộ quá trình đầu tư dự án chưa chắc đã rút ngắn được thời gian. “Đây là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên tất cả các hạng mục triển khai thi công sau này đều phải đấu thầu, có thể làm chậm trễ dự án. Trong khi tư nhân thì không phải đấu thầu”, ông Cường lý giải và nói thêm, chưa thể khẳng định chỉ ACV mới có kinh nghiệm, bởi thực tế việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã chứng minh tư nhân cũng có thể làm tốt.
Phản biện nhận định trên của ĐB Cường, trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh nói: “Tôi hiểu ý ĐB Cường đang nói về vấn đề đấu thầu thi công, mua sắm thiết bị trong quá trình triển khai sau này. Nhưng nếu chuẩn bị tốt, tiến hành song song các việc thì thời gian cũng không bị kéo dài. Trường hợp giao tư nhân làm, như bất kỳ một dự án PPP nào khác, Nhà nước vẫn phải kiểm soát đầu tư, tiền cuối cùng vẫn là Nhà nước bỏ ra, đâu thể buông lỏng?”, ông Thanh đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định, riêng thi công, chắc chắn ACV không bao giờ làm chậm hơn, lâu hơn tư nhân, và “cái lâu nằm ở quy trình, thủ tục, khó ở cơ chế”.
Chia sẻ với doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao ACV không làm được hơn Sun Group trong khi chúng ta có nguồn lực, có Quốc hội, có Chính phủ, có sự chỉ đạo, tại sao chúng ta không làm được? Làm với tinh thần quyết tâm như thế tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được”.
Cũng ủng hộ giao ACV làm Long Thành, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) khẳng định ông tin tưởng hoàn toàn vì đã đảm bảo đầy đủ các tiêu chí cần thiết.
“Không tác động đến nợ công”
Cũng liên quan đến việc giao ACV làm sân bay Long Thành, nhiều ĐBQH bày tỏ e ngại về khả năng tăng nợ công. Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn cũng như tác động khoản vay của ACV đến trần nợ công. ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng nhấn mạnh việc ACV là Công ty cổ phần có 95% vốn của Nhà nước. “Việc ACV vay vốn triển khai dự án có thể ảnh hưởng đến phần vốn của nhà nước không? Có làm tăng nợ công không?”.
Không đồng ý cách đặt câu hỏi như thế này, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nói: “Quan điểm của tôi khác, nếu cần thiết vẫn phải tăng nợ công, bởi vì theo như báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội cho thấy nợ công chúng ta ngày càng giảm, ở ngưỡng an toàn. Tại sao không tăng nợ công (nếu cần) để đầu tư cho Long Thành, nếu đã xác định đầu tư sân bay này là cần thiết?”.
Làm rõ hơn vấn đề này, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho rằng, phương án thu xếp vốn của ACV đều không sử dụng khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ. Toàn bộ là nguồn vốn huy động do ACV và VATM tự vay tự trả. Đối chiếu với quy định tại Luật Quản lý nợ công, phương án thu xếp vốn của ACV và VATM không tác động tới nợ công.
Lo nhất tiến độ GPMB
Một trong những vấn đề khác được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm là tiến độ GPMB của dự án. Nhấn mạnh việc đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai mới giải ngân được hơn 1% trong tổng số 23.000 tỷ đã bố trí cho công tác GPMB, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) lo ngại điều này sẽ khiến tiền đền bù GPMB sẽ tăng lên do đơn giá đền bù tăng theo thời gian. ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng lo ngại: “Dự kiến năm 2019, Đồng Nai chỉ giải ngân được 15,75%. Như vậy, từ nay đến hết năm 2020, làm sao có thể giải ngân được 80% số tiền còn lại?”.
Đây cũng là câu hỏi được ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu lên tại Nghị trường: “Làm sao có đất sạch để giao thi công vào cuối năm 2020? Đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải hỗ trợ Đồng Nai giải quyết vấn đề về đền bù GPMB, tái định cư một cách nhanh chóng nhất để chúng ta có thể thi công vào cuối năm 2020, đến năm 2025 mới có khả năng đưa dự án này vào khai thác được”.
Ở chiều ngược lại, ĐB Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế lại tỏ ra hoàn toàn lạc quan về tiến độ GPMB khi trao đổi với Báo Giao thông. Ông Sinh phân tích: “Cái khó khăn nhất là xây dựng chính sách, xác định giá đền bù, kiểm đếm đất đai, hạ tầng (kiểm đếm đến từng hộ gia đình, trong hộ gia đình có bao nhiêu thửa) thì Đồng Nai đã cơ bản làm xong rồi. Hơn nữa, trong 1.810ha diện tích mặt bằng cần giải toả trong giai đoạn 1, có 1.291ha đất của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN đã được kiểm đếm và sẽ bồi thường trong năm 2019. Đồng Nai cũng cam kết đến năm 2020 sẽ bàn giao đủ mặt bằng giai đoạn 1 là 1.810ha nên tôi hoàn toàn yên tâm việc có đủ đất triển khai cho giai đoạn 1”.
Khẳng định sẽ giao đất đúng tiến độ, ông Bùi Xuân Thống (Phụ trách đoàn ĐBQH Đồng Nai) nói Nghị quyết số 94 của Quốc hội xác định dự án thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 1.165ha (nay điều chỉnh 1.810ha, tăng thêm 645ha). Theo ông Thống, việc giải ngân chậm thời gian qua có nguyên nhân quan trọng do bố trí vốn không hợp lý.
Cụ thể, theo ông Thống, Đồng Nai đã trình Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án GPMB, trong đó phân kỳ nhu cầu vốn cho 4 năm. Trong năm đầu tiên, chỉ tập trung giải ngân chủ yếu khoảng 1.500 tỷ (chi trả đền bù cho Tập đoàn Công nghiệp cao su VN và các chi phí lập hồ sơ, thủ tục tái định cư). “Dự án được phê duyệt tháng 11/2018 nên năm đầu tiên triển khai thực hiện dự án là năm 2019. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT lại giao 4.500 tỷ vào tháng 12/2018 nên trong năm 2018, tỉnh không thể triển khai được gì do các hồ sơ, thủ tục chưa hoàn thành. Chưa hết, Bộ KH&ĐT lại tiếp tục giao thêm 6.990 tỷ đồng vào ngày cuối cùng của năm 2018. Như vậy, tổng số vốn bố trí cho Đồng Nai trong năm đầu tiên triển khai thực hiện dự án là 11.490 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với phân kỳ vốn và tỉnh Đồng Nai đã báo cáo”.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể:
Hiệu quả kinh tế dự án rất cao
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2.
Theo Bộ trưởng, những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm, lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp. Riêng sân bay Long Thành khi vừa hoàn thành sẽ đảm bảo lượng khách 25 triệu khách/năm, đến năm 2030 sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, phía tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao.
Về năng lực của ACV, Bộ trưởng cho hay: Hiện nay, tình hình tài chính của ACV khá tốt. Mặc dù quản lý 21 sân bay, chỉ có 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế ACV có một khoản lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng. Hiện nay ACV đã có khoảng 25.000 tỷ đồng để tập trung cho sân bay quốc tế Long Thành và khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì, chỉ tập trung cho sân bay Long Thành. Trong giai đoạn 2019- 2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế hoạch từ nay đến 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5- 5,5%/năm. Bên cạnh đó, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về việc ưu tiên huy động nguồn lực trong nước trước, khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.
Liên quan đến công nghệ, Bộ trưởng cho biết, sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay và trong quá trình thực hiện, nếu có công nghệ mới tốt hơn, sẽ báo cáo Chính phủ cập nhật, đảm bảo khi Long Thành vận hành, thiết bị sẽ hiện đại nhất trong thời điểm đó.
ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa):
Không lo hình thành nợ công
Theo báo cáo thì dự án có vốn chủ sở hữu đạt 37%, đây là tỷ lệ rất an toàn. Báo cáo của Chính phủ đã khẳng định tính khả thi của dự án, khẳng định các ngân hàng nước ngoài sẵn sàng cho vay không có bảo lãnh của Chính phủ và không sử dụng nợ công. Do đó, Quốc hội hoàn toàn có thể yên tâm.
Riêng việc có tác động đến trần nợ công hay không, chúng ta cần hiểu khái niệm nợ công theo Luật Nợ công. Cụ thể, dù là doanh nghiệp Nhà nước vay nhưng không có bảo lãnh Chính phủ thì sẽ không hình thành nợ công.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM):
Tạo động lực cất cánh
Sân bay Long Thành là một dự án hạ tầng giao thông gồm bốn yếu tố: Kinh tế, xã hội, kỹ thuật, công nghệ và có ý nghĩa hệ trọng đối với kinh tế cũng như an ninh, quốc phòng của đất nước ta, ít nhất cho đến hết thế kỷ này. Dự án này phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh, vươn cao, thoát bẫy thu nhập trung bình. Nhưng nếu làm không tốt, nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước. Cần triển khai dự án với trách nhiệm cao và mức độ thận trọng cần thiết, tôi ủng hộ chủ trương giao cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận