Dự thảo thay thế Nghị định 86 đưa ra quy định, taxi tính tiền qua phần mềm điện tử như Grab, Uber sẽ phải gắn mào“taxi điện tử” - Ảnh: Tạ Tôn |
Hàng chục ngàn tài xế Uber phải đối diện với một tương lai bất định khi bị buộc phải gia nhập lại từ đầu với Grab như một đối tác mới là việc không phải bàn cãi. Điều này có nghĩa, toàn bộ quyền lợi của họ được hưởng từ Uber có nguy cơ bị xóa sạch.
Không những vậy, khi tài xế tham gia mạng lưới của Grab sẽ phải chịu mức chiết khấu hơn 28% thay vì mức 20% của Uber, thậm chí mức phí này có thể sẽ bị đẩy cao hơn nữa. Khi đã “độc tôn”, Grab có thể tùy ý tăng giảm chiết khấu và không quan tâm đến quyền lợi của tài xế. Phải chăng, việc đột ngột rút lui và không đảm bảo quyền lợi cho hàng ngàn lái xe của Uber là một hành động “đem con bỏ chợ”?
Không chỉ đối diện với nguy cơ mất việc, lái xe Uber còn đối diện với nguy cơ bị truy thu thuế. Chuyện Grab mua lại Uber đã tác động rất lớn đến quyền lợi của hàng chục ngàn lái xe sử dụng ứng dụng của Uber khi khoản truy thu tiền thuế trên 53 tỷ đồng mà Uber B.V Hà Lan còn nợ Cục thuế TP Hồ Chí Minh chưa bị cưỡng chế. Điều đáng nói, khoản tiền này hầu hết là tiền thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân mà các lái xe đã nộp qua Uber B.V Hà Lan nhưng doanh nghiệp này chưa nộp cho cơ quan thuế.
Vậy, khi Uber rút lui khỏi Việt Nam, không nộp các khoản thuế trên, các lái xe Uber có phải chịu trách nhiệm với Cục thuế TP.HCM? Theo phản ảnh của các lái xe Uber, hiện họ chưa nhận được xác nhận của Uber B.V Hà Lan về khoản tiền thuế mà họ đã nộp từ hơn hai năm rưỡi nay. Nếu không lấy được xác nhận từ Uber B.V Hà Lan, lái xe Uber sẽ phải đối diện với các quyết định truy thu, cưỡng chế từ cơ quan thuế có thẩm quyền. Rõ ràng, đây là một thiệt hại quá lớn đối với các lái xe Uber.
Không chỉ tài xế, khi Uber rời đi, người tiêu dùng Việt cũng sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi. Mặc dù Grab khẳng định việc sáp nhập sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách hàng nhưng sẽ không tránh khỏi lo ngại chuyện độc quyền. Người tiêu dùng Việt sẽ không còn được hưởng những ưu đãi với các chương trình khuyến mại mạnh như trước, giá cước vận chuyển cũng sẽ tăng cao hơn. Với lượng tài xế đông đảo, địa bàn hoạt động rộng hơn bất cứ ứng dụng gọi xe trong nước nào khác, Grab đã gần như có đủ “thiên thời, địa lợi” để khiến người dùng lựa chọn sử dụng dịch vụ của mình.
Uber không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam, hợp đồng đối với lái xe cũng không phải hợp đồng lao động mà chỉ là thỏa thuận hợp tác nên không có điều khoản đảm bảo quyền lợi cho lái xe. Cho nên giải quyết việc này chỉ có thể theo Luật Thương mại mà không thể theo Bộ luật Lao động. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các lái xe, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc buộc Uber phải thanh toán các khoản thuế còn nợ. Đồng thời, buộc Uber và Grab có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ lái xe Uber sang Grab và giữ nguyên các quyền lợi trước đây họ được hưởng. Bởi lẽ, nếu Grab và Uber thực hiện việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp tại Việt Nam, doanh nghiệp nhận sáp nhập, hợp nhất phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ đối với doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc bị hợp nhất.
Luật sư Trương Thanh Đức
Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận