Những thông điệp tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi sử dụng điện thoại của người dân khi tham gia giao thông sẽ được truyền tải sinh động qua hai phim ngắn: "Cuộc gọi cuối cùng" và "Tin nhắn cuối cùng" |
Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) vừa phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT phát động chiến dịch truyền thông về hậu quả của việc sử dụng điện thoại gây mất tập trung khi lái xe. Đây là một trong những hợp phần chính thuộc dự án hành trang an toàn do Quỹ UPS tài trợ.
Theo bà Mirjam Sidik, TGĐ điều hành Quỹ AIP, khảo sát sơ bộ 927 sinh viên tại 7 trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, 79% sinh viên được khảo sát thừa nhận đã từng sử dụng điện thoại di động ít nhất một lần khi lái xe trong vòng 6 tháng gần đây. Vì vậy, chiến dịch được thực hiện nhằm thức tỉnh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện trên đường, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh, thiếu niên từ 15 - 29 tuổi.
Cũng theo bà Mirjam Sidik, trọng tâm của chiến dịch này sẽ là hai đoạn phim tuyên truyền: “Cuộc gọi cuối cùng” và “Tin nhắn cuối cùng” với nội dung nhấn mạnh hai thông điệp chính: “Cuộc gọi đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích” và “Tin nhắn đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích”. Các đoạn phim được Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo trình chiếu ở 10 trường đại học thuộc dự án, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, các trang mạng xã hội và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, một người nói chuyện điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị TNGT nhiều hơn gấp 4 lần so với người không sử dụng điện thoại. Vì vậy, chiến dịch được triển khai đúng thời điểm, trong bối cảnh thực trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông của người dân nói chung và của giới trẻ nói riêng đang trở nên phổ biến và trở thành một trong những hiểm họa đối với vấn đề đảm bảo ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận