Chuyện dọc đường

Đừng đo đếm lợi ích bằng tiền

25/11/2019, 06:16

Năng lực, kinh nghiệm các nhà đầu tư trong nước có thừa nhưng trở ngại lớn nhất triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam là nguồn vốn tín dụng.

img
Với việc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục giảm xuống (thay vì 40%) sẽ là thách thức cực lớn cho các nhà đầu tư muốn tham gia cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Ảnh: Tạ Tôn

Các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đã, đang bước vào giai đoạn sơ tuyển để chuẩn bị đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư. Năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư trong nước có thừa, nhưng trở ngại lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án này sắp tới sẽ là nguồn vốn tín dụng.

Bởi, trong cơ cấu tổng mức đầu tư của mỗi dự án, ngoài phần vốn hỗ trợ của Nhà nước từ 30 - 40%, còn lại 60 - 70% là vốn của nhà đầu tư gồm 20% vốn chủ sở hữu và 40 - 50% là vốn đi vay, trong khi, chính sách của các ngân hàng trong nước lại đang siết chặt nguồn vốn cho vay dài hạn đối với các dự án hạ tầng giao thông.

Thông lệ ở nhiều nước trên thế giới, ngoài nguồn vốn vay từ các ngân hàng, nhà đầu tư còn có kênh huy động vốn rất hiệu quả, vay được rất nhiều vốn từ Quỹ Phát triển hạ tầng để đầu tư các dự án.

Nhưng chúng ta hiện chưa có quỹ này nên các nhà đầu tư chỉ chủ yếu trông chờ vào nguồn tín dụng từ các tổ chức ngân hàng trong nước. Trong khi, nguồn vốn cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại thời gian qua đã rất khó khăn, nay quy định mới của Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục co lại, nên khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước để đầu tư cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới là rất khó khả thi.

Tôi cho rằng, đối với dự án quan trọng như cao tốc Bắc - Nam, Nhà nước, Chính phủ cần đưa ra những cơ chế ưu tiên đặc biệt về nguồn vốn tín dụng để triển khai thành công dự án này. Đồng thời, khi chưa hình thành được Quỹ Phát triển hạ tầng, Nhà nước cũng cần có những giải pháp cho phép nhà đầu tư các dự án được huy động nguồn vốn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc vay vốn nước ngoài.

Tôi được biết, nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện nay rất lớn, có thể đầu tư lâu dài, nhưng cần có chính sách để huy động. Hay, nguồn vốn từ các tổ chức tiền tệ quốc tế, nhà đầu tư có thể vay được nhưng cũng cần có cơ chế bảo lãnh của Chính phủ. Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, đầu tư vào giao thông, chúng ta phải nhìn đến lợi ích tổng thể, tác động của hạ tầng giao thông mang lại rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của cả đất nước, của các vùng nơi dự án đi qua chứ không thể đo đếm bằng tiền, kiểu “ăn xổi” như bất động sản, nay bán căn hộ này, mai xây dựng khu đô thị kia.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Chúng ta rất nỗ lực, mất rất nhiều năm và trải qua nhiều bước để triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam. Đến nay, dự án đang bước vào giai đoạn quyết định là sơ tuyển và đấu thầu nhà đầu tư đối với các dự án PPP.

Nhưng nếu không có vốn tín dụng, xem ra tất cả những nỗ lực ấy chẳng mang lại ích lợi gì, dự án có chọn được nhà đầu tư cũng không thể triển khai xây dựng được. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những chính sách đặc biệt, nhất là chính sách khơi thông nguồn vốn tín dụng để triển khai thành công dự án, nếu không sẽ không thể tháo gỡ được điểm nghẽn của nền kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.