Dù đã giảm hơn một nửa số chuyến nhưng lượng khách trên mỗi chuyến xe trước giờ xuất bến tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Tạ Hải
Nhằm hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, duy trì vực dậy sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ.
Dù Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành triển khai các gói hỗ trợ khẩn trương, kịp thời, đúng đối tượng, tuy nhiên, qua nhiều lần bùng phát dịch, các đối tượng vẫn rất khó tiếp cận được.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp chỉ ra là những điều kiện ngặt nghèo, có phần xa thực tế khiến doanh nghiệp vận tải và lái xe chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ.
Điều kiện đặt ra giống như bảo họ chứng minh mình đã phá sản trước khi nộp hồ sơ xin cứu trợ. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu của gói hỗ trợ, là giúp doanh nghiệp, người lao động vượt khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh.
Ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, doanh nghiệp và người lao động có lẽ không còn đủ sức lực để phục hồi nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Một chính sách đầy tính nhân văn được người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, song sẽ rất đáng tiếc nếu chỉ vì những quy định được đưa ra một cách cứng nhắc.
Để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả, rất cần đến sự linh hoạt trong quá trình triển khai, để không vô tình làm khó doanh nghiệp, người lao động.
Vì thế, thay vì làm đúng quy trình, đã đến lúc, các cơ quan có trách nhiệm triển khai cần khẩn trương tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp và người lao động nói chung và trong lĩnh vực vận tải nói riêng, để tham mưu với Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp.
Sụt giảm doanh thu, cắt giảm phương tiện và lái xe chưa từng có của các doanh nghiệp vận tải đang đặt ra nhiều lo ngại về khả năng hồi phục của lĩnh vực này khi dịch bệnh được kiểm soát. Sóng gió mà dịch bệnh gây ra đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.
Đối với các khu vực có sức tác động lớn đến nền kinh tế như ngành vận tải, việc triển khai các chính sách hỗ trợ càng cần phải khẩn trương hơn, linh hoạt hơn trong cách giải quyết.
Những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phải đủ độ, phải kịp thời khi họ đang suy kiệt. Chính vì vậy, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân được giao trách nhiệm trong việc triển khai phải làm hết mình, bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm theo đúng tinh thần của Chính phủ là “không ai bị bỏ lại phía sau”.
“Sức khỏe” của doanh nghiệp vận tải gắn liền với khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, với nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa, với giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Bởi vậy, những khó khăn mà các doanh nghệp vận tải đang phải đối mặt không còn là chuyện riêng của họ. Hỗ trợ họ, đừng nên đưa ra những điều kiện “đánh đố”.
GS.TS. Từ Sỹ Sùa (Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT Hà Nội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận