Về vãn cảnh, dâng lễ ở đền Nưa - Am Tiên, tỉnh Thanh Hóa hôm qua (30/1), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng hàng nghìn du khách nhét tiền lẻ vào tượng thờ, tảng đá và khắp các ban thờ.
Bức tượng thờ bên trong khu chính điện đền Nưa - Am Tiên đã được Ban Quản lý di tích đóng khung, song nhiều người vẫn cố nhét tiền vào trong. Ảnh: VNE
Du khách nhét tiền lẻ khắp nơi trong đền Nưa - Am Tiên. Bức tượng thờ bên trong khu chính điện đã được Ban quản lý di tích đóng khung, song nhiều người vẫn cố nhét tiền vào bên trong.
Đại diện Ban tổ chức lễ hội cho hay, dù đã đặt biển khuyến cáo không ném tiền lẻ và cho đặt hòm công đức ở các vị trí thuận lợi, du khách vẫn cố tình rải tiền lẻ nhiều nơi gây phản cảm, mất tích tôn nghiêm của nơi thờ tự.
Thật ra, không phải ở đền Nưa, mà tại rất nhiều đền, chùa, miếu mạo vào dịp lễ Tết, đây là cảnh tượng không xa lạ gì.
Dùng tiền lẻ đặt lễ trong các ban thờ ở đền, chùa vốn không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, với quan niệm sai lệch có tính lây truyền từ bao lâu nay, nhiều người vẫn cố tình làm việc này, gây nên hình ảnh rất phản cảm ở những nơi tôn nghiêm, trang trọng.
Thực tế, nhiều người vẫn có quan niệm sai lầm rằng, đặt tiền lẻ vào các mâm lễ, ban thờ thì thần, Phật mới chứng giám, càng rải nhiều tiền thì càng được ban nhiều lộc. Với suy nghĩ đầy tính thực dụng ấy, nên dù đã được ban quản lý các đền, chùa hướng dẫn cách đặt lễ nhưng nhiều người vẫn cố tình rải tiền vô tội vạ.
“Tốt lễ dễ kêu”, “trần sao âm vậy”, với suy nghĩ ấy khi đi lễ đền chùa, nhiều người vẫn cố tình làm cái việc mà người khác nhìn vào thấy rất không hay. Ở góc độ nào đó, hành động này khác gì hối lộ thần, Phật? Nhưng sao họ có thể nghĩ đơn giản đến thế? Đặt vài đồng tiền lẻ rồi cầu mong thần, Phật ban cho đi một về mười, đi tươi về tốt, ban cho xây được nhà lầu sắm được xe hơi, được thăng quan tiến chức? Chẳng lẽ thần, Phật chỉ đổi chác rẻ vậy sao?
Những nơi đình, đền, chùa là chốn tâm linh, thanh tịnh, là nơi để mỗi người đến tìm thấy sự thanh thản, an yên chứ không phải nơi xô bồ, đổi chác, xin xỏ vật chất tầm thường. Thế nên, những quan niệm xấu về đặt tiền lẻ đi lễ cần được loại bỏ.
Người đi lễ nên hiểu văn hóa tín ngưỡng, văn hóa đi lễ chùa để có hành xử đúng và văn minh, chứ không phải chen lấn, xô đẩy để đặt tiền lẻ lên các ban thờ, đặt tiền công đức không đúng nơi quy định... Hay nói cách khác, cần “học lễ trước khi đi lễ”, nên tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp để tránh việc vô tình rẻ rúng thần linh.
TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận