Một loại thuốc cam không rõ nguồn gốc, gây ngộ độc chì cho trẻ |
Trẻ trì độn vì thuốc cam rởm
Mới đây, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã tiếp nhận, điều trị cho bé Trần Minh N. (6 tuổi Việt Yên, Bắc Giang) ngộ độc chì do dùng thuốc cam của thày lang vườn. Khi nhập viện, bệnh nhi N. có biểu hiện trí tuệ chậm phát triển, không tiếp xúc, hòa nhập xung quanh, da xanh xao và thường xuyên nôn. Trước đó, gia đình đưa trẻ đi khám tâm thần tại Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư và phải chuyển sang Trung tâm Chống độc với kết quả xét nghiệm hàm lượng chì trong máu cao gấp nhiều lần cho phép.
Theo lời mẹ bệnh nhi, do sốt ruột vì con trai lười bú, chậm tăng cân nên chị đã mua thuốc cam cho con uống ngay từ khi cháu bé mới vài tháng tuổi. Mừng vì thấy con tăng cân, chị tăng cường cho con uống thuốc cam nhiều hơn và kéo dài hơn 1 năm. Tuy nhiên, sau khi dừng thuốc, con bắt đầu có những biểu hiện như: Môi khô, xuất hiện những cơn co giật, đờ đẫn, nhận biết kém… Chỉ đến khi tình trạng của trẻ ngày càng xấu, phụ huynh cho con đi khám tuyến T.Ư mới biết bị ngộ độc chì.
Nặng hơn, bé Nguyễn T. H (ở Hoa Lư, Ninh Bình) từ hơn 2 năm nay đã trở thành bệnh nhân thường xuyên của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Không giống như chúng bạn, dù 4 tuổi nhưng bé H vẫn chưa nhận biết, phân biệt được màu sắc, trí nhớ kém, học trước quên sau. Theo lời kể mẹ bệnh nhi H, ở quê chị, gia đình nào có con nhỏ cũng mua thuốc cam cho uống để trẻ hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh... và gia đình chị cũng không nằm ngoài “phong trào” đó.
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, dễ cáu gắt, giảm trí nhớ, kém thông minh; mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, da tái do thiếu máu, thường có những cơn đau bụng cấp (đau bụng chì), viêm thận kẽ…, rất có thể đó là dấu hiệu của ngộ độc chì”. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai |
Sau một thời gian dài, chị thấy con hay bị nôn trớ và co giật. Hoảng hốt, chị vội cho con cấp cứu tại BV Nhi T.Ư. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng chì trong máu của bệnh nhi vượt quá ngưỡng cho phép nhiều lần, buộc phải chuyển sang Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai để điều trị thải độc chì.
Theo chia sẻ của BS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, vốn dĩ thuốc cam có tác dụng rất tốt đối với trẻ, tuy nhiên đó phải đúng là loại thuốc cam được sản xuất ở các cơ sở y tế có cấp phép.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều phụ huynh lại cho uống, bôi loại thuốc cam không rõ nguồn gốc, thường do thày lang vườn tự chế. Đây chính là nguyên nhân dẫn để ngộ độc chì cho trẻ nhỏ. Đáng lưu ý, các triệu chứng của ngộ độc chì lại thường không đặc hiệu nên dễ bị nhầm với các bệnh khác. “Rất nhiều trẻ ngộ độc chì nhưng không có biểu hiện lâm sàng, rất khó phát hiện và dễ bị bỏ qua, do đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và tinh thần của trẻ. Nhẹ thì sẽ giảm chỉ số IQ, ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu kiến thức. Nặng hơn thì sẽ dẫn đến rối loạn về sự phát triển ý thức, rối loạn tâm thần, thậm chí trẻ bị trì độn, không có khả năng học tập hay tự phục vụ mình và nhận biết về xung quanh”, ông Duệ cho hay.
Thạch tín, thủy ngân trong thuốc cam
Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Giám đốc Viện Hóa học, gần đây, số mẫu thuốc cam, bệnh phẩm và mẫu máu của các bệnh nhi bị nghi nhiễm độc chì gửi đến viện xét nghiệm tiếp tục tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, Viện Hóa học đã xét nghiệm hơn 100 mẫu thuốc cam có chứa 10 - 75% hàm lượng chì từ các BV chuyển đến.
Các mẫu thuốc cam và mẫu máu trẻ bị ngộ độc chì được gửi đến xét nghiệm từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc: Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, các huyện ngoại thành Hà Nội... Không chỉ trẻ em, tình trạng nhiễm độc chì cũng được ghi nhận ở nhiều người lớn, có khi cao gấp 14 lần mức cho phép.
“Trong số những mẫu thuốc gửi đến xét nghiệm, ngoài các mẫu có màu cam đặc trưng còn có loại màu đen, nâu. Đặc biệt, không chỉ có hàm lượng chì cao, nhiều mẫu còn chứa cả thủy ngân, thạch tín, là những chất cực độc với sức khỏe con người”, ông Lợi cho biết.
Theo cảnh báo của BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc “cam” dạng bột hoặc viên (đặc biệt lại có màu vàng, cam, đỏ, hồng) là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc chì. Chì là một chất cực độc, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính.
Chì khó thải loại, khi vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói, có thể co giật từng cơn. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị hôn mê và tử vong. “Gia đình nào đã trót lỡ cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc thì nên đưa trẻ đến viện xét nghiệm hàm lượng chì trong máu để xác định chính xác trẻ đã bị nhiễm độc chì hay chưa nhằm có can thiệp kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc”, BS. Duệ khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận