Thí điểm tại 4 trạm dừng nghỉ
Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản đề nghị UBND hai tỉnh Long An và Tiền Giang thí điểm lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại trạm dừng nghỉ để phục vụ hoạt động vận tải hàng hoá. Có 4 trạm dừng nghỉ được Tổng cục Đường bộ đề xuất thí điểm làm chốt kiểm dịch, trong đó có 2 trạm ở Long An và 2 trạm ở Tiền Giang.
Trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP HCM - Trung Lương - Ảnh internet
Hai trạm dừng nghỉ thuộc tỉnh Long An là trạm dừng nghỉ tại Km28+200 (bên phải tuyến) cao tốc HCM -Trung Lương và trạm dừng nghỉ tại Km28+200 (bên trái tuyến) Cao tốc HCM - Trung Lương.
Hai trạm dừng nghỉ thuộc tỉnh Tiền Giang là trạm dừng nghỉ Minh Phát 2 tại QL 1A, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè hướng từ TP Hồ Chí Minh về cầu Mỹ Thuận và trạm dừng nghỉ Phương Trang tại QL1A, xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè hướng từ cầu Mỹ Thuận về TP Hồ Chí Minh.
Tổng cục Đường bộ đề nghị UBND tỉnh Long An và Tiền Giang bố trí chốt kiểm soát dịch bệnh tại các trạm dừng nghỉ nêu trên và đưa vào hoạt động từ ngày 17/7/2021.
"UBND hai tỉnh duy trì hoạt động để kiểm soát dịch bệnh, tránh để lây lan dịch bệnh và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả cho lái xe, người xếp, dỡ hàng hoá đi theo xe theo quy định. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Yêu cầu lái xe, người xếp dỡ hàng hoá đi theo xe tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế đảm bảo không để lây lan dịch bệnh", Tổng cục Đường bộ đề nghị.
Tổng cục Đường bộ đề nghị UBND hai tỉnh chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các Sở GTVT công bố thông tin rộng rãi đến các đơn vị kinh doanh vận tải biết và thực hiện.
Liên quan đến đảm bảo ATGT, Tổng cục Đường bộ đề nghị bố trí lực lượng chức năng (công an, thanh tra giao thông) để phân luồng, điều tiết và bảo đảm ATGT tại trạm. Chỉ cho phép xe vận tải hàng hoá được ra, vào trạm để dừng, nghỉ tạm thời. Các loại phương tiện khác không được phép ra, vào trạm để dừng, nghỉ (trừ trường hợp vào đổ xăng, dầu).
Chỉ đạo lực lượng chức năng tại địa phương để phối hợp với trạm dừng nghỉ trong việc cung cấp một số mặt hàng thiết yếu, đồ dùng cá nhân để cung cấp tại trạm. Không để lái xe, người xếp, dỡ hàng hoá đi theo xe tụ tập đông người.
Xây dựng quy trình hướng dẫn phân luồng, điều tiết, bảo đảm giao thông. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả tại trạm. Phân luồng và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra, vào trạm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị UBND hai tỉnh, chỉ đạo đơn vị quản lý trạm dừng nghỉ trên địa bàn bố trí nhân sự đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cùng với các lực lượng chức năng tại trạm dừng nghỉ để phối hợp hướng dẫn, điều tiết giao thông tại trạm. Cung cấp đồ dùng thiết yếu, đồ ăn, uống để mang đi theo xe và không tổ chức ăn, uống tại chỗ, tránh để tụ tập đông người.
Phối hợp với lực lượng kiểm soát dịch bệnh tại trạm để nghiên cứu, bố trí khu vực đỗ xe dành riêng cho xe vận tải hàng hoá, khu vệ sinh, khu chờ cho lái xe vào lấy mẫu xét nghiệm, khu lấy mẫu xét nghiệm, khu trả kết qủa và nơi nghỉ tạm cho lái xe đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cần phương án phù hợp để lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi, an toàn
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành vùng Đông và Tây Nam Bộ đã phải giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện gặp không ít trở ngại trong lưu thông hàng hóa, khi các địa phương kiểm soát giấy xét nghiệm Covid-19 của lái xe. Điều đáng nói, mỗi địa phương có những quy định khác nhau khiến doanh nghiệp gặp khó.
Ông Phạm Văn Tải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải bộ Tân Cảng (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) cho hay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong xét nghiệm y tế cho tài xế.
Theo ông Tải, hiệu lực của giấy xét nghiệm hiệu lực chỉ có 3 ngày, trong khi đó đã mất 1 ngày để lái xe đi xét nghiệm. Thực tế doanh nghiệp chỉ sử dụng hiệu lực giấy xét nghiệm chỉ còn 2 ngày.
“Quy trình này khiến doanh nghiệp phải liên tục xét nghiệm cho lái xe. Chi phí doanh nghiệp chịu nhưng cái lớn hơn là việc vận chuyển hàng hóa bị ách tắc. Bị khống chế về thời gian xét nghiệm khiến doanh nghiệp rất chật vật trong bố trí lái xe”, ông Tải cho biết”, ông Tải nói.
Đại diện Hiệp hội hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho hay, quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của một số địa phương gây nhiều khó cho phương tiện vận chuyển hàng hóa. Các chốt kiểm dịch ùn ứ làm kéo dài thời gian vận chuyển, thời hạn của Giấy xét nghiệm quá ngắn khiến tài xế phải xét nghiệm liên tục.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM cho biết, xe vận chuyển Nam - Bắc sẽ mất thời gian khoảng 5 - 7 ngày. Trong khi đó, giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 hết hạn thì tài xế cũng không biết xét nghiệm ở đâu vì dọc đường đi không có điểm xét nghiệm.
Hơn nữa, đang trong thời gian phòng, chống dịch thì không phải tài xế muốn đậu xe ở đâu cũng được. Trong trường hợp có chỗ đậu xe thì cũng không có phương tiện công cộng để di chuyển tới chỗ xét nghiệm.
“Đây là những vướng mắc cơ bản của các đơn vị vận chuyển hàng hóa. Cơ quan chức năng xem xét lại vấn đề cho thấu đáo và hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải”, ông Quản nói và cho biết thêm, hiện tại, nhiều tài xế rất e ngại và không muốn chạy xe đường dài vì cách phòng, chống dịch ở mỗi địa phương một khác.
Đánh giá về giải pháp đề xuất của Tổng cục Đường bộ VN, ông Phạm Văn tải cho rằng, đây là giải pháp hay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Địa phương nào cần xét nghiêm có thể tổ chức xét nghiệm cho lái xe ngay tại đây.
Theo ông Tải, chỉ mất khoảng 30 phút đã có kết quả xét nghiệm nhanh, doanh nghiệp sẵn sàng chờ cả tiếng. Giải pháp này cũng giúp anh nghiệp không phải xét nghiệm trước cho lái xe và mang giấy đi theo. Đồng thời, xét nghiệm tại chỗ như này cũng giúp gỡ cho cho thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm và giảm ùn tắc cho các chốt kiểm soát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận