Ánh mắt ấy lộ rõ sự mệt mỏi. Hẳn trong mấy ngày qua, cô giáo ấy đã hứng chịu đủ sự thịnh nộ của cộng đồng mạng. Áp lực nghề giáo trong thời đại công nghệ ngày nay quá khắc nghiệt. Dư luận đòi hỏi sự công bằng ở mọi lúc, mọi nơi, mà lớp học không là một ngoại lệ. Trong khi chờ một hiện tượng được xác định đúng là bản chất, dư luận đã cuốn sự việc đi rất xa.
Tôi biết hôm nay, cảm xúc của người đọc đã khác. Không còn là sự phẫn nộ như khi mới tiếp nhận thông tin, không còn là hoài nghi, ngỡ ngàng khi biết hình ảnh cháu đứng nép dưới cổng trường là dàn dựng.
Tôi cũng biết, dư luận đang muốn truy đến cùng trách nhiệm của mẹ đứa trẻ. Người đã đặt họ vào “thế đã rồi” khi không tiếc lời chê trách giáo viên và hiệu trưởng. Nhiều người muốn tiếp tục làm rõ trắng đen, cháu bé chưa hề vào trường, tại sao ban giám hiệu khẳng định Sao đỏ yêu cầu học sinh ra cổng đứng? Có điều gì đó thật sự khó lý giải ở đây. Ngoài mẹ đứa trẻ, còn những ai nói dối?
Nhưng có nên làm thế hay không? Khi dư luận hăng say phân rõ ai đúng, ai sai, thì người thiệt thòi nhất vẫn là cháu bé. Cách hành xử của người lớn đã khiến cháu bất đắc dĩ trở thành nhân vật chính trong câu chuyện. Hãy thử nghĩ xem những ngày tới cháu đi học như thế nào? Những bạn trong đội sao đỏ bất ngờ bị liên đới sẽ ra sao?
Và dù tấm ảnh của người mẹ là ngụy tạo, sự lý giải của nhà trường chưa thực sự đúng bản chất thì có một sự thật không thể phủ nhận: “Đó là học sinh không học bán trú không được đến trường sớm sau giờ nghỉ trưa. Cổng trường khép lại với những đứa trẻ yếu đuối, với những gia đình đang nuôi con trong nhọc nhằn, một chút giờ vào ca trễ vì đưa con đi học đúng giờ có thể khiến bố mẹ mất việc”.
Vậy thì, thay vì truy đến cùng “tội danh” của những nhân vật trong chuyện, dư luận nên đòi hỏi ngành Giáo dục làm rõ quy định này. Để không còn những em nhỏ phải đội nắng đứng ngoài cổng trường vì sợ ảnh hưởng đến lớp học, sợ thầy cô phê bình, không còn những phụ huynh nơm nớp lo mất việc vì đưa con đi học trễ giờ vào ca vài phút.
Chắc chắn, ngành Giáo dục đã không có hướng dẫn nhất quán về giờ đóng mở cổng trường. Vì vậy mới có chuyện, trường ở Hải Phòng đóng cửa vào buổi trưa nhưng ở TP.HCM thì không. Còn Đà Nẵng, ngay khi sự việc thành tâm điểm dư luận đã hỏa tốc có công văn hướng dẫn các trường bố trí khu vực chờ đến giờ học cho học sinh không học bán trú. Với tinh thần phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, sinh hoạt của học sinh ăn học ở trường cả ngày.
Việc tổ chức mọi hoạt động của trường học cần cái tâm của người quản lý. Không thể khiên cưỡng chạy theo dư luận, cũng không thể dồn ép đủ trách nhiệm lên thầy cô khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Cần một hướng dẫn cụ thể, giờ nào mở cửa đón các con, chờ ở khu vực nào, ai là người để mắt đến các cháu và quan trọng nữa là cần sự chia sẻ và trách nhiệm của phụ huynh. Xin cũng đừng đổ hết gánh nặng lên nhà trường.
Còn nhớ ở Hà Nội vài năm trước, có một học sinh đến trường sớm, chơi đùa ngã chấn thương sọ não, thời gian đầu các thầy cô thay nhau đến chăm sóc. Họ áy náy trong bất lực, vì học sinh đến sớm thế sao có người quản được. Nhưng với lương tâm của người thầy họ vẫn tự nguyện làm. Vì nói cho cùng, nghề giáo hay bất cứ nghề nào trong xã hội chân giá trị vẫn là sự nhân văn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận