“Trước thực tế xảy ra các trường hợp xe ô tô đang tham gia giao thông bị cháy, thời gian qua Cục Đăng kiểm VN đã phối hợp với cơ quan chức năng của một số địa phương điều tra nguyên nhân dẫn đến tai nạn, nhằm xác định nguyên nhân có hay không do chất lượng xăng, dầu; song đến nay chưa có vụ cháy nào được kết luận có nguyên nhân do xăng, dầu”, ông Khanh cho biết.
“Xăng, dầu không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng được xem là nguy cơ dẫn đến tai nạn cháy, nổ phương tiện. Bởi nó có thể gây hư hỏng động cơ (như xăng chứa nước) hoặc ăn mòn các kết cấu động cơ, ống dẫn nhiên liệu, gây nguy hại cho môi trường (hàm lượng chì, lưu huỳnh… quá mức)”, ông Khanh nói thêm.
Thạc sĩ Đỗ Công Đạt, Trưởng khoa Ô tô, Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) cho hay, xăng giả ảnh hưởng nhiều tới động cơ ô tô nhưng cũng tùy loại xăng bị làm giả như thế nào. Ví dụ như loại xăng bị làm giả là A95, pha trộn với loại xăng khác như A82 (loại xăng từng được sử dụng, hiện vẫn còn loại xăng này nhưng không được phép sử dụng nữa). Trong khi các loại ô tô hiện nay đều có động cơ đảm bảo hoạt động tốt nhất khi đổ xăng A95 nên khi loại xăng này bị pha trộn với loại xăng, phụ gia khác kém chất lượng hơn sẽ làm công suất xe, tỉ số nén bị giảm xuống. Khi đổ loại xăng pha kém chất lượng hơn này không ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ động cơ cũng như các chi tiết ống dẫn. Tuy nhiên, nếu xăng bị pha trộn với các hóa chất thì lại là câu chuyện khác.
Nếu như xăng pha với các hóa chất, phụ gia mà các loại hóa chất này không đảm bảo tính chống ra nhiệt, tạo hạt mài thì sẽ khiến thành xy-lanh bên trong động cơ bị bào mòn rất nhanh, khe hở bên trong động cơ tăng lên, ảnh hưởng đến việc vận hành và giảm tuổi thọ động cơ. Đổ xăng kém chất lượng ảnh hưởng đến chính người tiêu dùng bởi làm giảm tuổi thọ động cơ, các chi tiết sớm bị hỏng hóc, người sử dụng xe phải sớm thay thế phụ tùng, tốn kém chi phí. Thậm chí, các đường ống dẫn nhiên liệu có thể bị ăn mòn bởi xăng bị pha trộn, kém chất lượng. Sử dụng những loại xăng này cũng là một trong những nguyên gây cháy xe.
Trong khi đó, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng lưu ý, khi sử dụng xăng kém chất lượng, động cơ sẽ có nguy cơ kích nổ sai thời điểm, tức là không kiểm soát được thời điểm nổ, làm hư xi-lanh, hư trục… dẫn đến hỏng động cơ. Bên cạnh đó, các chi tiết như đường ống dẫn cũng có thể sẽ bị ăn mòn nếu như xăng giả bị pha a-xi-tôn nhiều. Và quan trọng xăng giả có thể bị pha dung dịch chì, nguy cơ thải ra gây độc hại tới môi trường. Đặc biệt, sử dụng xăng giả, kém chất lượng làm tăng nguy cơ gây cháy nổ động cơ.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng,
Bộ KH-CN
Bí mật kiểm tra để phát hiện xăng dầu giả
Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam về xăng dầu cơ bản được ban hành đầy đủ và đã đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, pha chế thêm các loại dung môi vào xăng khiến chất lượng bị giảm, vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước. Bộ KH-CN đã có công văn chỉ đạo các tỉnh, Sở KH-CN, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với lực lượng chức năng xem xét và xử lý vi phạm.
Một số nơi bị phát hiện có bán xăng pha dung môi Solmix (loại không được dùng cho động cơ đốt trong hoặc pha chế xăng). Vì vậy, thời gian qua chúng tôi đã đẩy mạnh công tác kiểm tra đặc thù, bí mật. Các cán bộ của Tổng cục và Chi cục trong vai dân thường đến mua mẫu và thử nhanh. Nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ kiểm tra chính thống và xử lý. Ngoài kiểm tra đặc thù, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vấn nạn xăng lậu, xăng bẩn, trong đó có việc phối hợp với Tổng cục Thuế tiến hành dán tem niêm phong kẹp chì đồng hồ công tơ tổng cột đo xăng dầu trên cả nước.
Hoàng Ngân (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận