Sau một năm thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo đảm ATGT, hầu hết các doanh nghiệp vận tải ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Yên Bái, Bắc Giang… đều đã lắp đặt camera giám sát hành trình (GSHT) trên xe ô tô.
Lực lượng TTGT kiểm tra việc lắp đặt camera GSHT trên xe ô tô khách, ô tô tải theo quy định
Lợi đủ đường nhờ camera GSHT
Chia sẻ về câu chuyện sau khi lắp đặt camera GSHT, ông Bùi Văn Viết – Giám đốc Công ty TNHH vận tải và Du lịch Minh Quý cho biết: Công ty có 9 xe ô tô đăng ký kinh doanh vận tải hành khách chạy tuyến cố định Thanh Hoá – Hà Nội và Thanh Hoá – Bình Dương.
Sau khi Sở GTVT Thanh Hoá yêu cầu thì chúng tôi đã tìm hiểu và mua camera GSHT đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396:2021 để lắp cho các xe.
“Mặc dù là một thiết bị nhỏ trên xe giống như xe ô tô con bình thường nhưng chúng tôi thấy đó là điều rất cần thiết.
Qua hệ thống camera, chúng tôi có thể giám sát được thái độ của lái xe, việc thực hiện quy định về ATGT, thắt dây an toàn, nghe điện thoại... trong khi điều khiển phương tiện. Đặc biệt camera GSHT rất có hiệu quả để xử lý những vụ việc như va chạm giao thông, hành khách để quên đồ trên xe…”, ông Viết chia sẻ.
Theo ông Viết, việc lắp đặt camera GSHT đã đem lại hiệu quả đem lại rất tích cực, tạo niềm tin về sự an toàn cho khách hàng.
“Có lần, xe tôi bất ngờ va chạm vào thành hầm đường bộ do đơn vị quản lý tưới nước khiến đường trơn trượt. Qua kiểm tra từ dữ liệu camera GSHT, tôi đã yêu cầu phía đơn vị quản lý hầm bồi thường thiệt hại với số tiền 10 triệu đồng vì đó là lỗi của họ.
Hay như trường hợp hành khách trên xe đánh rơi bọc ni lông có 7 triệu đồng và bị người khác cầm nhầm. Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi trích xuất camera và danh sách hành khách tìm lại trả số tiền đó cho khách. Nói chung là có camera rất tiện lợi”, ông Viết cho biết thêm.
Nói về vấn đề hiệu quả từ camera, ông Vũ Minh Thuận – Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hoá cho biết: Số lượng xe ô tô trên địa bàn phải lắp camera GSHT là 2.621 xe, tính đến thời điểm này đã có 2.433 xe đã lắp đạt 93%.
Số còn lại do họ không đăng ký kinh doanh nên không lắp. Nhưng khi doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính thì chúng tôi sẽ không cấp phù hiệu.
Hình ảnh trích xuất camera của Công ty TNHH vận tải và du lịch Minh Quý giải quyết được việc mất đồ trên xe cho hành khách
“Việc lắp đặt camera GSHT giúp ý thức của người lái xe được nâng cao. Thông qua dữ liệu có thể phát hiện lái xe đã thực hiện đúng các quy định hay chưa và phương tiện đó có chở quá số người, lộ trình hay không…
Nếu phương tiện nào lắp camera mà không truyền dữ liệu thì chúng tôi theo dõi xử lý, không cấp phù hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hầu hết các phương tiện đều đã lắp đặt đầy đủ”, ông Thuận nói.
Hay như tại tỉnh Bắc Giang, đại diện Công ty CP Xe khách Bắc Giang cho biết, đã lắp đặt camera GSHT đối với gần 200 xe, đạt 100% số xe tham gia vận tải hành khách tại đơn vị. Lãnh đạo đội quản lý xe của công ty cho hay, từ khi lắp đặt camera trên xe, công tác quản lý, vận hành của đội đã chặt chẽ, hiệu quả hơn nhiều.
Đặc biệt, trước đây, để ngăn chặn tình trạng tiêu cực của phụ xe như thu tiền nhưng không đưa vé, giấu bớt số tiền bán vé trên xe, công ty đã phải bố trí hàng chục nhân viên soát vé, thanh tra giả làm hành khách đi xe hoặc lập các chốt, trạm để kiểm tra, đối chiếu số lượng hành khách và số vé đã bán trên đường.
Tuy nhiên, từ khi lắp đặt đầy đủ camera GSHT trên xe khách, lực lượng thanh tra, giám sát trên đã được giải tán, góp phần tinh giảm nhân lực, thu gọn bộ máy, giúp công ty giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc trích xuất dữ liệu camera GSHT trên xe còn giúp công ty xác minh, trả lại nhiều đồ đạc có giá trị do hành khách vô ý để quên trên xe khách.
Trong thời gian qua, lực lượng TTGT ở các địa phương thường xuyên kiểm tra việc lắp đặt camera GSHT trên các phương tiện
Tăng cường TTKS xử lý vi phạm
Tại Bến xe khách Yên Bái, lực lượng TTGT bất ngờ kiểm tra xe khách Anh Giang chạy tuyến Yên Bái - Yên Nghĩa đang chuẩn bị xuất bến. Kết quả kiểm tra cho thấy, dù phương tiện đã triển khai lắp đặt hệ thống camera GSHT nhưng việc trích xuất dữ liệu không thực hiện được. Sau khi thông báo vi phạm, lực lượng TTGT đã nhắc nhở, yêu cầu lái xe nhanh chóng khắc phục sự cố trên trước khi rời bến.
Anh Hà Huy Hiếu - nhà xe Anh Giang, Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ Yên Bái cho biết: "Chúng tôi đã triển khai lắp đặt ngay khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy, do tín hiệu mạng không ổn định nên tại nhiều thời điểm, khu vực, hình ảnh dữ liệu bị ngắt quãng, không hiển thị được”.
Tại khu vực đầu cầu Văn Phú, lực lượng liên tiếp kiểm tra nhiều xe khách, xe đầu kéo, container. Qua kiểm tra cho thấy, đa số phương tiện đã thực hiện lắp đặt camera GSHT theo yêu cầu.
Theo ông Đặng Đình Lâm - Phó Đội trưởng Đội TTGT số 1, quá trình kiểm tra nhận thấy, đa phần các phương tiện vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên đều đã trang bị camera GSHT theo quy định, các xe đầu kéo, container cũng đã cơ bản chấp hành việc lắp đặt.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do đường truyền không ổn định, nhiều thời điểm không truyền dẫn, trích xuất dữ liệu được. Một số phương tiện hàng hóa cũng thường xuyên thông tin, theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để trốn tránh hoạt động kiểm tra.
Ông Đỗ Trung Thành - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Yên Bái cho biết: "Ngay khi có chỉ đạo của Sở, lực lượng TTGT đã ra 2 quyết định thanh tra, kiểm tra đối với xe khách từ 9 chỗ trở lên và xe đầu kéo, xe container. Quá trình kiểm tra đến nay, phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm quy định này”.
Ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh, theo số liệu thống kê tính tới ngày 26/5, toàn tỉnh đã có 1.100/1.167 phương tiện vận tải (150 xe khách tuyến cố định, 60 xe hợp đồng, 95 xe buýt, 60 xe container và 735 xe đầu kéo) hoàn thành việc lắp camera giám sát theo quy định, đạt tỷ lệ 94%.
Ngoài ra, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã kiểm tra, phát hiện xử lý 46 trường hợp xe vận tải hành khách vi phạm, phạt tiền 118.700.000 đồng, tước 38 GPLX, phù hiệu xe; Trong đó lập biên bản 2 xe khách phạt 18 triệu đồng với lỗi không lắp camera hành trình theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân Bảo – Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh thông tin, qua 1 năm thực hiện lắp camera GSHT tạo điều kiện cho đơn vị quản lý kiểm soát tốt hơn phương tiện vận tải và người điều khiển. Tuy nhiên, theo quy định thì việc ghi lại hình ảnh chỉ có hiệu lực 2 ngày cũng gây bất cập cho đơn vị quản lý.
Ông Bảo nêu ví dụ, thông qua dữ liệu truyền về, nếu thấy lái xe có vi phạm nhưng cố tình chây ỳ lên làm việc thì dữ liệu đó sau 2 ngày không còn hiệu lực nên việc xử lý vi phạm khó khăn.
Trang bị “mắt thần” dễ dàng quản lý
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Phòng vận tải, Cục ĐBVN cho biết, thời gian vừa qua, Cục đã phối hợp với VNPT và Viettel xây dựng hệ thống thử nghiệm để tiếp nhận dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải của khoảng 200.000 phương tiện trên toàn quốc.
“Chúng ta có thể thấy khối lượng dữ liệu truyền về là rất lớn, thời gian tiếp nhận liên tục. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo đánh giá của chúng tôi l hệ thống luôn đảm bảo tính ổn định, liên tục, không xảy ra các sự cố liên quan đến nghẽn đường truyền hoặc các sự cố mất an toàn, an ninh thông tin,…
Việc đưa hệ thống vào vận hành bước đầu đã đáp ứng tốt việc khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải của các Đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở GTVT”, đại diện Phòng vận tải Cục ĐBVN thông tin.
Trong quá trình xây dựng hệ thống, Cục ĐBVN đã phối hợp với các đơn vị công nghệ hàng đầu hiện nay gồm Viettel và VNPT để xây dựng các giải pháp tiếp nhận dữ liệu lớn, giải pháp lưu trữ và xử lý dữ liệu bigdata, áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý hình ảnh để phát hiện vi phạm,…đồng thời áp dụng các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin theo đúng quy định.
Đến nay, hệ thống đã tự động phát hiện, đưa ra cảnh báo cho các trường hợp hình ảnh có nghi ngờ vi phạm như: không thắt dây an toàn, lái xe sử dụng điện thoại, lái xe không đeo khẩu trang (áp dụng trong thời gian xảy ra dịch Covid19).
Theo Phòng vận tải, do khối lượng hình ảnh truyền về tương đối lớn nên để đảm bảo tối ưu công tác quản lý Nhà nước và quản lý hoạt động của doanh nghiệp, Cục ĐBVN đã phối hợp với các đơn vị công nghệ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc đưa ra cảnh báo và thống kê các trường hợp có nghi ngờ vi phạm của lái xe trên cơ sở dữ liệu hình ảnh được truyền về hệ thống.
Lượng dữ liệu truyền về hệ thống rất lớn nên việc đưa vào áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp cán bộ các Sở GTVT tiết kiệm thời gian khai thác, không phải vào từng hình ảnh để xem có vi phạm hay không. Áp dụng AI thì thời gian phát hiện các hình ảnh có nghi ngờ vi phạm sẽ nhanh hơn, chính xác hơn, từ đó đưa ra quyết định xử lý nhanh chóng hơn.
Trong thời gian tới, khi được đầu tư xây dựng hệ thống, Cục ĐBVN tiếp tục phối hợp với các đơn vị công nghệ nghiên cứu chức năng sử dụng AI để phát hiện các vi phạm như chở quá số người và một số hành vi vi phạm khác của người lái xe theo quy định; đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới trong xử lý, lưu trữ dữ liệu lớn (Bigdata) để tối ưu hóa hệ thống, đảm bảo hệ tối ưu trong quá trình vận hành hệ thống trong tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận