Sau 2 tháng xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ý thức người tham gia giao thông ngày càng nâng cao, nhiều người dân đã biết sợ, không uống rượu bia khi lái xe. So với thời gian trước liền kề, số vụ TNGT giảm gần 800 vụ, giảm gần 200 người chết. Điều này cho thấy chỉ sau thời gian ngắn, Nghị định 100 đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của đông đảo người dân.
Không xảy ra TNGT chấn động liên quan rượu bia
Trung tá Vũ Văn Điệp, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn, Cục CSGT cho biết, thực tế công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn khó khăn là do các tài xế khi sử dụng rượu bia thường mất kiểm soát, dễ nổi nóng, không chấp hành yêu cầu kiểm tra. Hai tháng qua, Đắk Lắk đã xử lý 56 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, Cà Mau 33 trường hợp, Tây Ninh 30 trường hợp, TP HCM 24 trường hợp,Tiền Giang 20 trường hợp, Kiên Giang 20 trường hợp...
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), 2 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 454.233 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền gần 398 tỷ đồng. Trong đó, có 23.590 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ, phạt tiền trên 90 tỷ đồng (xe máy, mô tô chiếm chủ yếu, hơn 93,64%, xe ô tô chiếm 6,13%). CSGT đã tước GPLX 14.849 trường hợp, tạm giữ 23.590 phương tiện các loại vì lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Đáng chú ý, vi phạm nồng độ cồn được phát hiện nhiều ở các tỉnh miền núi, nông thôn như: Đắk Lắk 1.317 trường hợp, Tây Ninh 1.200 trường hợp, Thanh Hóa 1.176 trường hợp, Bắc Giang 1.042 trường hợp, Đồng Nai 970 trường hợp, Gia Lai 834 trường hợp, Cà Mau 818 trường hợp… Tại các thành phố lớn, người dân chấp hành tốt hơn khi tại TP HCM có 948 trường hợp, Hà Nội 853 trường hợp bị xử phạt.
Đặc biệt, trong 2 tháng qua, cả nước không xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây chấn động dư luận liên quan đến nồng độ cồn như thời gian trước đó.
Mặc dù vậy, theo Trung tá Vũ Văn Điệp, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn, Cục CSGT, nhìn vào số liệu xử phạt cho thấy vi phạm nồng độ cồn vẫn đáng báo động, nhất là một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Trà Vinh 394 trường hợp, Cà Mau 349 trường hợp, Kiên Giang 304 trường hợp, Long An 286 trường hợp, TP HCM 288 trường hợp)… Điều này cho thấy vẫn còn những người tham gia giao thông uống rượu bia say xỉn, cần phải xử lý nghiêm hơn trong thời gian tới.
Mở rộng địa bàn, không buông lơi kiểm soát
BS. Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cho biết, trước đây bệnh viện tiếp nhận cấp cứu khoảng 30 ca TNGT mỗi ngày, nhưng sau khi có Nghị định 100 thì còn khoảng trên 20 ca/ngày.
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngày có Nghị định 100, khoa Cấp cứu của bệnh viện không quá tải như những năm trước. Số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu bia và các tai nạn liên quan đến rượu bia giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, số nạn nhân do TNGT, vi phạm nồng độ cồn gây ra chỉ còn khoảng 8%, giảm gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Đắk Lắk, nơi có nhiều trường hợp xử phạt vi phạm nồng độ cồn nhất cả nước, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, Phòng cùng công an các huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền Nghị định 100 tới từng buôn, bản, cử cán bộ thành thạo tiếng dân tộc phân tích, giải thích bằng song ngữ cho bà con dễ hiểu.
“Đặc biệt, trước khi diễn ra buổi tuyên truyền tập trung này, CSGT bí mật về địa bàn ghi hình các hành vi vi phạm giao thông, từ đó phân tích các lỗi vi phạm, mức xử phạt từng trường hợp, giúp bà con dễ nắm bắt kiến thức và ghi nhớ lâu hơn”, Thiếu tá H’Dona EEban, cán bộ tuyên truyền Phòng CSGT chia sẻ.
Cùng với việc tuần tra kiểm soát tại các tuyến đường đô thị, công an các huyện còn lập hẳn chuyên đề, mở rộng địa bàn ra cả các vùng sâu vùng xa của tỉnh để xử lý vi phạm. Nhờ vậy, kết quả đạt được rất đáng khích lệ.
Tại Quảng Bình, ngoài lực lượng công an các huyện thường xuyên tuần tra xử lý vi phạm trên các tuyến đường, gần đây còn xuất hiện thêm cả lực lượng 141QB tại những huyện miền núi làm nhiệm vụ kiểm soát việc uống rượu bia lái xe.
Thượng tá Trần Đức Dương, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, sau nhiều ngày ra quân, nhận thấy tình hình người vi phạm ở thành phố và các thị xã giảm đi rõ rệt, lực lượng 141QB được điều động về phủ kín các vùng nông thôn, miền núi. “Tình trạng người uống rượu bia rồi tham gia giao thông còn lại rất ít. Các đối tượng thanh niên ngổ ngáo, uống rượu bia vào rồi phóng nhanh, vượt ẩu, gây gổ đánh nhau không còn… ”, Thượng tá Dương nói và cho biết, không có chuyện buông lơi kiểm soát nồng độ cồn mà việc này sẽ được duy trì thường xuyên.
Tương tự, Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm và giải quyết tai nạn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng khẳng định sẽ duy trì việc đo nồng độ cồn chứ không phải chỉ làm nghiêm trong thời gian đầu. “Ý thức người tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô đã có chuyển biến rõ rệt sau 2 tháng triển khai thực hiện Nghị định 100, nhờ vậy TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí. Vì thế, sẽ không có chuyện buông lơi”, Trung tá Hoài khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tâm lý nhiều người lo sợ lây nhiễm nên ngại thổi nồng độ cồn. Vì thế, CSGT làm nhiệm vụ cần tuyên truyền, giải thích về các biện pháp đảm bảo an toàn để người dân yên tâm.
Một lãnh đạo đội CSGT tại TP HCM cũng nêu thực tế, từ khi có Nghị định 100 đến nay, số phương tiện bị tạm giữ tăng lên chóng mặt khiến kho tạm giữ phương tiện vi phạm ngày càng quá tải.
Cần kiên trì thực hiện
Đánh giá về hiệu quả triển khai thực hiện Nghị định 100 sau 2 tháng, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Nghị định 100 tác động tới mọi người dân và nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng về vấn đề uống rượu bia lái xe. Cùng với việc xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn, các hành vi vi phạm khác như lùi xe trên cao tốc, nhắn tin khi lái xe, không thắt dây an toàn... vẫn đang được các lực lượng chức năng theo dõi giám sát và xử phạt thường xuyên.
Thực tế cho thấy Nghị định 100 có tác động sâu rộng, tích cực tương tự như quy định đội MBH khi đi xe máy cách đây hơn 10 năm. Điều đó đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia gia thông, được người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, đây là vấn đề cần thực hiện thường xuyên và kiên trì. Bởi từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng gặp phải vấn đề tương tự như ở Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ kiên trì sửa đổi quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ, khắt khe hơn, tuyên truyền và thực thi tốt, đến nay ý thức tuân thủ của người dân các nước này rất tốt.
“Chúng ta đã đi đúng hướng, ngoài việc thực hiện các cao điểm thì cần duy trì cường độ tuyên truyền và kiểm soát thường xuyên, liên tục và kiên trì. Trong thực tế chúng ta đã có nhiều chính sách đảm bảo ATGT rất tốt, nhưng sau khi chấm dứt cao điểm mọi chuyện lại đâu vào đấy. Đây là những bài học thực tiễn cần tiến hành tổng kết và rút kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn”, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia nói và thông tin, lần này Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm duy trì nhịp độ kiểm soát vi phạm nồng độ cồn trong suốt năm 2020 và các năm tiếp theo. Ủy ban ATGT Quốc gia chọn chủ đề năm 2020 là “Đã uống rượu bia không lái xe” với các giải pháp lâu dài, các chỉ đạo của Bộ Công an và các chuyên đề thường xuyên liên tục của lực lượng CSGT đều thể hiện rất rõ quyết tâm này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận