Giá xăng, dầu tăng kỷ lục tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Giảm các loại thuế liên quan đến xăng, dầu sẽ tháo gỡ được vấn đề này, song ngân sách sẽ hụt thu. Đây là bài toán đang được đặt ra đòi hỏi sớm có lời giải.
Báo Giao thông trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.
TS. Nguyễn Bích Lâm
Xăng, dầu tăng, sản xuất nguy cơ đình trệ
Trong cơ cấu giá xăng, dầu hiện nay, theo ông có khoản chi phí nào chưa hợp lý?
Trong cơ cấu giá xăng, dầu, ngoài phụ thuộc vào giá thế giới thì giá trong nước còn gánh thêm 4 sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, bảo vệ môi trường (BVMT), giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và các khoản phí như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…
Tính chung lại tổng thuế, phí hiện chiếm tới 44% trong giá bán ra của xăng, dầu.
Do đó, để giảm giá xăng, dầu, cần rà soát lại các chi phí cấu thành giá xăng, dầu.
Trong đó, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng, dầu còn chưa hợp lý, cần phải tính toán, cân đối lại. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát giá thông qua điều hành chính sách thuế.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, giá xăng, dầu được điều chỉnh 16 lần, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít, dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít, so với hồi đầu năm. Bình quân 6 tháng giá xăng, dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87%.
Vừa qua, chúng ta cũng đã có động thái về thuế, cụ thể là giảm thuế BVMT với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm này được cho là chẳng thấm vào đâu. Quan điểm của ông thế nào?
Thuế BVMT đã giảm 50%, tuy nhiên, tôi thấy Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã tính toán một giải pháp rất hạn chế ở chính sách này.
Lúc đầu họ chỉ đề xuất giảm thuế BVMT từ 500 - 1.000 đồng/lít xăng, dầu, sau khi dư luận lên tiếng thì mới giảm sâu hơn là 50% mức thuế hiện hành.
Theo tôi, trong thời gian tới, để giá xăng, dầu không tăng một mức quá cao thì cơ quan quản lý nên nghiên cứu giảm các sắc thuế còn lại như thuế TTĐB, thuế nhập khẩu, thậm chí cả phí, nhất là khoản phí kinh doanh, lợi nhuận định mức. Điều đó đang được rất nhiều nước thực hiện.
Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế TTĐB, thuế VAT và thuế BVMT với xăng, dầu. Theo tính toán, chỉ riêng với việc giảm thuế BVMT mức 500 - 1.000 đồng/lít, tổng thu NSNN giảm khoảng 4.061 tỷ đồng/tháng, chưa kể giảm thuế TTĐB, VAT… Trong bối cảnh ngân sách vốn đã eo hẹp, nhiều nguồn thu lại cùng suy giảm, liệu nền kinh tế gánh đỡ ra sao?
Giảm thuế, phí là giảm ngay nguồn thu ngân sách với những con số rất cụ thể. Ngược lại, nếu giá xăng, dầu vẫn ở mức cao, sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống mọi người dân. Hậu quả của tác động tiêu cực này chưa định lượng ngay được, nhưng chắc chắn là không nhỏ!
Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn từ việc giá xăng, dầu tăng cao. Đơn cử như việc hàng loạt tài xế taxi bỏ xe, doanh nghiệp vận tải phá sản.
Đặc biệt, hơn 50% số lượng tàu cá đã phải ngừng hoạt động, tương đương với khoảng gần 50.000 tàu cá phải neo bến vì không gánh nổi hàng nghìn tỷ đồng chi phí tăng thêm do dầu tăng giá.
Tôi nhẩm tính nhanh thế này, mỗi tàu cá có ít nhất 5 lao động, vậy chúng ta đang có ít nhất 250.000 ngư dân không có việc làm, tương đương 250.000 hộ gia đình đang bị ảnh hưởng.
Tính trung bình mỗi hộ bình quân có 4 người, thế tức là có cả triệu người dân gắn với ngư dân đang phải chịu tác động tiêu cực từ xăng tăng giá. Chưa tính các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Tác động khác từ việc tàu cá nằm bờ là thiếu nguyên liệu cho chế biến hải sản, kéo theo cả ngành xuất khẩu “vạ lây”.
Chưa kể, vấn đề lớn ẩn sau số lượng lớn tàu cá ngừng hoạt động là 50.000 lá cờ Việt Nam sẽ vắng bóng trên vùng biển chủ quyền biển đảo của quốc gia…
Do vậy, tôi cho rằng, những người làm chính sách cần nhìn nhận thực tế hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, đừng nhìn vào con số giảm “từng này nghìn tỷ” mà quên đi hệ lụy khác.
Cần nhìn thấy cái lợi trong trung hạn, dài hạn, đưa ra được một giải pháp tổng thể cho vấn đề tăng giá xăng, dầu.
Hy sinh nguồn thu trước mắt để ổn định vĩ mô
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu được điều chỉnh 16 lần làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít. Ảnh: Tạ Hải
Theo ông, giải pháp tổng thể chúng ta cần làm là gì?
Hiện, thế giới đang rơi vào khủng hoảng 3 chiều: Lương thực, năng lượng, tài chính. Vì vậy, việc xăng, dầu tăng cao sẽ là câu chuyện dài.
Các ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế đồng loạt đưa ra đánh giá, xăng, dầu còn tăng cao nữa. Năm nay có thể 120 USD/thùng, nhưng năm sau có thể lên 150 USD/thùng.
Vì lẽ đó, chúng ta cần một nhóm giải pháp tổng thể để kiểm soát giá xăng, dầu, chứ không phải hôm nay giảm một nghìn, giảm xong thấy vẫn không ăn thua lại giảm thêm một hai nghìn, rất thụ động mà không giải quyết được vấn đề.
Giải pháp tổng thể gồm từ điều chỉnh về thuế, phí đến kiểm soát đầu vào, đầu ra, minh bạch thị trường đến các chính sách an sinh xã hội.
Ngay bây giờ, cần tính toán, trước mắt là giảm tất cả những dòng thuế nào giảm được, chẳng hạn như thuế nhập khẩu xăng, dầu thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.
Cùng đó, nhà quản lý cũng cần tính toán, đề xuất giảm các dòng thuế khác và đưa ra các kịch bản tương ứng với từng “liều lượng” giảm để cùng lựa chọn.
Ngoài ra, cũng cần tính toán lại các loại phí, trên quan điểm doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cần chia sẻ với nền kinh tế.
Giá xăng, dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tạ Hải
Như vậy, để giảm giá xăng, dầu, chúng ta phải “hy sinh” nguồn thu NSNN trước mắt. Theo ông, đổi lại cho sự “hy sinh” đó, chúng ta được gì?
Nếu không kiểm soát mạnh tay, giá xăng, dầu tiếp tục tăng và đứng ở mức cao, sản xuất có nguy cơ ngừng trệ. Điều này sẽ gây một tác động rất lớn và lâu dài đối với mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội.
Ngược lại, khoản ngân sách hụt thu từ thuế xăng, dầu có thể được bù đắp bằng các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi, nền kinh tế hồi phục, nguồn thu dư sức vượt khoản thu từ thuế xăng, dầu và đó mới là nguồn thu bền vững.
Do vậy, tôi cho rằng, Chính phủ cần tập trung, xử lý khẩn trương, làm sao cho thị trường xăng, dầu bình ổn, giúp doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất. Việc điều hành như vậy rất có lợi cho điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, nếu môi trường ổn định thời điểm này, các nhà đầu tư sẽ tìm đến.
Giảm thuế từ xăng, dầu, ngân sách sẽ hụt thu ngay lập tức trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh cần thời gian mới có doanh thu, lợi nhuận, đóng thuế. Trong bối cảnh đó, theo ông chúng ta phải cơ cấu lại các khoản chi như thế nào?
Chúng ta phải rà soát để cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết. Trên thực tế, tôi thấy còn rất nhiều khoản chi chưa cần thiết, như là chi công tác nước ngoài, du lịch công vụ hay một loạt các khoản chi thường xuyên của các cơ quan hành chính…
Tôi khẳng định, đến cả các dự án đầu tư cũng có thể cắt giảm 10%. Thời điểm tôi còn làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi được giao cắt giảm 10% chi thường xuyên, ban đầu tôi đã nghĩ “không thể làm được”.
Nhưng rồi chúng tôi đã làm rất tốt. Ví dụ như một cuộc tổng điều tra dân số, việc ứng dụng công nghệ đã giúp chúng tôi tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng so với phương pháp truyền thống.
Tương tự, các ngành, lĩnh vực, địa phương khác hoàn toàn có thể ứng dụng khoa học, công nghệ, thay đổi phương pháp làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến…
Một cuộc họp, thay phải tốn chi phí thuê hội trường, người phục vụ, chi phí vé máy bay, đi lại, ăn ở cho khách mời ở mọi vùng miền, thì nay chỉ cần ứng dụng phòng họp trực tuyến mà không cần mất thêm bất kỳ khoản phí nào, chưa kể tiết kiệm cả thời gian đi lại…
Điều tôi muốn nhấn mạnh là, chúng ta đang kêu gọi người dân tiết kiệm, doanh nghiệp tiết kiệm thì bộ máy Nhà nước cũng phải làm gương, cắt giảm chi tiêu để cùng hỗ trợ cho nguồn lực này. Đây chính là một khoản thu khổng lồ.
Cảm ơn ông!
Sau thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để kìm giá xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể với các loại thuế này chưa được tiết lộ.
Tuy chưa công bố phương án cụ thể song đây cũng là động thái ghi nhận hành động quyết liệt hơn của Bộ Tài chính để hạ nhiệt giá xăng, dầu trong nước.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu) được cho là quá ít.
Do đó, vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI kiến nghị, việc giảm thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết lúc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận