Buổi tổng kết sau hơn một năm thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty VISHIPEL và Viện Y học biển |
Sau hơn một năm thực hiện thỏa thuận hợp tác về việc thiết lập kênh thông tin trợ giúp y tế trên biển, Hệ thống Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam thực hiện vai trò làm cầu nối thông tin y tế giữa người bị nạn trên tàu và Viện Y học biển để các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn cấp cứu từ xa cho các ngư dân trên biển.
Cầu nối trợ giúp ngư dân
Vào lúc 21h7 ngày 25/7, Đài TTDH Bến Thủy nhận được thông tin trực tiếp từ tàu cá NA 95405 TS yêu cầu trợ giúp y tế khẩn cấp cho một ngư dân tên là Trịnh Văn Tâm, 54 tuổi bị lên cơn co giật. Khai thác viên của Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) lập tức mở kênh thông tin vô tuyến kết nối trực tiếp với Viện Y học biển. Các bác sỹ đã yêu cầu các thuyền viên cho anh Tâm uống thuốc và dùng vật cứng ngáng qua miệng để ngăn không cho cắn vào lưỡi. Nhờ có tư vấn y tế kịp thời, anh Tâm đã qua cơn nguy kịch. Một ngày sau, tàu cá NA 95405 TS đã cập cảng Lạch Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh Tâm đã được đưa về với gia đình an toàn, sức khỏe đã trở lại bình thường.
"Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xây dựng và triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa kế hoạch chung theo định hướng và mục tiêu của thỏa thuận đã đề ra cũng như trên cơ sở công ước quốc tế và chính sách trong nước hiện hành có liên quan, từ đó, góp phần tích cực hơn vì sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng người đi biển cũng như mọi người dân trên các vùng biển đảo của Tổ quốc”. Ông Phan Ngọc Quang |
Một trường hợp khác, vào chiều 25/9/2016, Đài TTDH Phú Yên nhận được yêu cầu trợ giúp thông tin y tế trên tần số 7903 kHz từ tàu cá PY 95087 TS cho ngư dân tên là Lê Văn Mười, 50 tuổi, bị liệt nửa người bên trái, không cử động được và luôn chóng mặt, đau đầu. Lúc này tàu đang hoạt động đánh bắt tại vị trí có tọa độ 12-00N 115-40E, cách đảo Song Tử Tây khoảng 86 hải lý về hướng Đông - Đông Bắc. Hệ thống TTDH đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các bác sĩ Viện Y học biển để bác sĩ hướng dẫn y tế từ xa cho bệnh nhân. Căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân và vị trí tọa độ của tàu, các y, bác sỹ của Viện Y học biển đã tận tình hướng dẫn cho anh Mười uống nước đường và nước xả, đồng thời yêu cầu tàu khẩn cấp chạy về bờ để điều trị. Cùng đó, Hệ thống TTDH đã nhanh chóng kết nối liên lạc cho tàu với người phụ trách trên đảo Song Tử Tây để được hướng dẫn chạy vào vị trí gần nhất, cấp cứu cho ngư dân bị nạn. Đến 5h30 sáng 26/9, tàu PY 95087 TS đã về đến đảo Song Tử Tây và anh Mười đã được đưa lên đảo cấp cứu. Nhờ có các tư vấn, hướng dẫn tại chỗ của Viện Y học biển kịp thời, anh Mười đã có thể phục hồi được 70% sức khỏe và tránh được nguy cơ liệt toàn thân.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp ngư dân hoạt động trên biển bị tai nạn, hoặc bị bệnh được các bác sỹ của Viện Y học biển trợ giúp trong hơn một năm rưỡi qua. Kết quả này cũng đánh dấu sự hợp tác thành công giữa VISHIPEL với Viện Y học biển. Trong đó, VISHIPEL đóng vai trò là cầu nối thông tin giữa các tàu thuyền, ngư dân thông qua hệ thống TTDH với các bác sỹ của Viện Y học biển.
Theo PGS.TS Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học biển, VISHIPEL đã tổ chức quản lý, khai thác rất tốt Hệ thống TTDH Việt Nam, đảm bảo thiết lập và duy trì kênh thông tin kết nối giữa biển và đất liền ổn định để thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ y tế cho thuyền viên, ngư dân trên biển được kịp thời, hiệu quả, giúp ngư dân có một điểm tựa tinh thần vững chắc, yên tâm bám biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. “Chúng tôi rất cảm ơn VISHIPEL vì điều này”, Viện trưởng Chi bộc bạch.
>>> Xem thêm video:
Hợp tác giúp ngư dân bám biển
Tháng 3/2015, VISHIPEL - đơn vị quản lý và khai thác Hệ thống TTDH Việt Nam và Viện Y học biển đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thiết lập kênh thông tin trợ giúp y tế trên biển nhằm tạo ra kênh thông tin thông suốt, góp phần giảm nhẹ thương vong, bệnh tật cho người lao động trên biển. VISHIPEL luôn đảm bảo chất lượng đường truyền kết nối thông tin y tế trên biển ổn định; Duy trì trực canh 24/7 để tiếp nhận yêu cầu trợ giúp thông tin y tế từ các tàu thuyền trên biển. Viện Y học biển cũng luôn đảm bảo chất lượng đội ngũ bác sỹ chuyên môn trực tiếp trong việc tư vấn, hướng dẫn y tế cho thuyền viên.
Kể từ sau khi triển khai Thỏa thuận hợp tác đến tháng 9/2016, Hệ thống TTDH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 89 thông tin trợ giúp y tế trên biển; Trong số đó, đã kết nối 47 trường hợp tới Viện Y học biển để tư vấn, cứu chữa từ xa cho người lao động khi đang làm việc trên biển bị chấn thương hoặc bị bệnh.
Mới đây, tại buổi tổng kết việc thực hiện hỗ trợ y tế trên biển và trao đổi, thống nhất về kế hoạch trong thời gian tiếp theo, VISHIPEL đã giới thiệu giải pháp truyền dẫn và kết nối qua vệ tinh VSAT cho mô hình trợ giúp y tế từ xa Telemedicine. Giải pháp cho phép các bác sỹ ở tuyến Trung tâm có thể chẩn đoán bệnh, chữa bệnh cho các bệnh nhân ở các vùng sâu, vùng xa, bệnh nhân sinh sống thay làm việc trên biển qua việc gửi các dữ liệu y tế, y học gồm văn bản, hình ảnh, video…
Ông Phan Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty VISHIPEL cho biết, hai cơ quan sẽ tiếp tục hợp tác phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, kiến thức chuyên môn trong trợ giúp y tế cho người dân trên biển, phối hợp thử nghiệm giải pháp kênh truyền thông tin vệ tinh VSAT cho mô hình trợ giúp y tế từ xa, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm trong việc tuyên truyền, đào tạo kiến thức về y học biển cho các thuyền viên làm việc trên tàu vận tải, tàu viễn dương, ngư dân lao động trên biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận