Hạ tầng

Đường bộ xứng danh “đi trước mở đường”

01/09/2020, 09:02

Trong suốt 75 năm qua, ngành Đường bộ đã trải qua nhiều dấu mốc lịch sử đáng nhớ, khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của ngành.

img
Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp thành cao tốc 6 làn xe, khánh thành năm 2019, tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội. Ảnh: G. Huy

Ngành Đường bộ đã đóng góp nhiều công sức để giữ vững “mạch máu” giao thông luôn thông suốt cả trong các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.

Thành tựu từ các cuộc kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Nha Giao thông công chính, tiền thân của Bộ GTVT và cũng là tiền thân của ngành Đường bộ Việt Nam ngày nay. Ngày 28/8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Đường bộ Việt Nam.

Với những thành tích đã đạt được, ngành đường bộ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Cục Đường bộ Việt Nam; Huân chương Hồ Chí Minh cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.


Trải qua 75 năm phát triển, thế hệ cán bộ, công nhân, lao động ngành đường bộ luôn làm theo lời dạy của Bác, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, xây dựng và giữ mạch máu giao thông thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), lực lượng giao thông đã cùng nhân dân phá cầu, phá đường nhằm ngăn chặn quân địch tấn công đánh chiếm các vùng tự do, căn cứ kháng chiến.

Trong nhiều chiến dịch, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Giao thông công chính và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã huy động hàng vạn công nhân và TNXP GTVT ngày đêm, mưu trí, dũng cảm, xẻ núi, băng rừng, bám trụ mở đường, bắc cầu cho xe cơ giới, các đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược, kéo pháo vào trận địa, góp phần to lớn vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cụ thể, tổng số dân công vận tải, làm đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là 260 nghìn người, hàng nghìn km đường đã được mở, hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực được vận chuyển ra mặt trận. Nhiều tấm gương dũng cảm quên mình góp phần xây nên truyền thống “đi trước mở đường”; Nhiều tập thể, cá nhân ngành GTVT được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như đồng chí Ngô Gia Khảm, Lê Minh Đức, Trương Sỹ, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Thị Lượng.

Hòa bình lập lại (1954 - 1964), miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, ngành GTVT nhanh chóng khôi phục lại hầu hết các tuyến đường bộ bị phá hoại trong chiến tranh và làm thêm một số đường mới. Nhiều tuyến đường được cải tạo lại, các trục giao thông chính được cải thiện.

Dù còn nhiều khó khăn về vốn đầu tư, vật tư trang thiết bị kỹ thuật, thiếu thốn nghiêm trọng về cán bộ, công nhân kỹ thuật… nhưng lực lượng GTVT đường bộ đã củng cố và xây dựng được hệ thống giao thông đường bộ dài hàng nghìn km thông suốt từ biên giới phía Tây, phía Bắc, phía Đông. Trong đó làm mới gần 11.000km đường bộ, 26.000m cầu.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc (1964 - 1975), đế quốc Mỹ đã tập trung máy bay đánh phá trên 70 nghìn trận với 2,5 triệu tấn bom và 90 vạn quả đạn pháo trút xuống các mục tiêu GTVT, trọng điểm là các công trình cầu đường, hòng cắt đứt sự chi viện của đồng bào miền Bắc vào miền Nam.

Với ý chí “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá ta sửa ta đi”, “Địch phá ta cứ đi”, lực lượng tự vệ GTVT đường bộ đã trực tiếp chiến đấu, bắn rơi hàng chục máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, rà phá hàng ngàn bom từ trường.

Cùng thời kỳ này, ngành GTVT đường bộ đã bổ sung lực lượng cho các vùng căn cứ cách mạng và vùng mới giải phóng ở miền Nam; làm nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Lào, Campuchia. Cục Vận tải ô tô đảm nhận phần lớn nhiệm vụ vận tải hàng hóa, hành khách cho phát triển KT-XH ở miền Bắc; Vận chuyển vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều cán bộ công nhân viên ngành GTVT đã ngã xuống bảo vệ cho những tuyến đường, cây cầu, với gần 2.600 liệt sỹ, 5.500 người được xác nhận hưởng chế độ thương binh.

… đến khôi phục xây dựng đất nước

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hạ tầng đường bộ sau nhiều năm chiến tranh tàn phá bị xuống cấp nặng nề, lực lượng GTVT đường bộ bắt tay ngay vào việc sửa chữa những đoạn đường, cây cầu.

Để đảm bảo GTVT được thông suốt và liên tục giữa hai miền Nam - Bắc, những công trình trọng điểm như: Cầu Thăng Long, Chương Dương, Câu Lâu, Tiến, Bến Thủy…, mở rộng đường vành đai Hà Nội nhằm giải tỏa ách tắc giao thông ở khu vực Thủ đô đã được xây dựng.

Thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước (1986 - 2000), nhờ những chính sách đúng đắn, ngành GTVT đường bộ đã từng bước phát huy nội lực, mở rộng giao lưu trong nước và khu vực.

Các chính sách hội nhập, mở cửa tăng cường quan hệ quốc tế đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho ngành có điều kiện áp dụng công nghệ mới xây dựng KCHT giao thông.

Về xây dựng cơ bản, ngành Đường bộ đã xây dựng hàng nghìn cây cầu lớn và vừa trên các quốc lộ, tỉnh lộ, giải quyết được nhiều điểm vượt sông trước đây ách tắc, khó khăn.

Đặc biệt là có bước trưởng thành vượt bậc về kỹ thuật, công nghệ thi công cầu đường, tiêu biểu là các cầu: Thăng Long, Chương Dương, Bến Thủy, Phong Châu…, các tuyến đường quan trọng như: QL5, QL1, QL80, QL10, QL18 và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm: Cầu Hoàng Long, Sông Gianh, Phú Lương, một số tuyến đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh và nhiều công trình quan trọng khác.

Trên cơ sở hệ thống giao thông phát triển, vận tải cũng có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Khối lượng vận tải đường bộ luôn chiếm 70 - 80% trong tổng khối lượng vận tải toàn ngành, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, cải thiện rõ rệt điều kiện đi lại của nhân dân.

Trải qua nhiều thời kỳ xây dựng và phát triển, ngày nay, Tổng cục Đường bộ VN đang quản lý 166 quốc lộ với chiều dài trên 25.500km, trên 1.000km đường cao tốc, 7.450 cầu được quản lý bằng phần mềm VBMS, đồng thời quản lý 2.376km quốc lộ thuộc các dự án BOT.

Trong điều kiện nguồn vốn mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nhưng Tổng cục Đường bộ VN đã đổi mới công tác kế hoạch, bố trí vốn thực hiện thứ tự ưu tiên cho công tác bảo trì, xử lý các điểm đen, sửa chữa kịp thời các cầu yếu, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa các tuyến huyết mạch.

Từ năm 2018 đã đấu thầu bảo trì đường bộ qua mạng thay hình thức đấu thầu bằng hồ sơ giấy trước đây. Cùng đó, từ năm 2013 đến nay, ngành đường bộ đã xóa trên 700 điểm đen TNGT.

Việc quản lý chất lượng bảo dưỡng sửa chữa đường bộ được tăng cường cả về xây dựng thể chế và tổ chức, chất lượng tuổi thọ cầu đường ngày càng tăng cao, tải trọng và tốc độ khai thác được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Cũng giai đoạn này, ngành Đường bộ đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp toàn tuyến trục dọc “xương sống” của đất nước như QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đường Hồ Chí Minh. Các cầu lớn như: Cần Thơ, Mỹ Thuận, Thanh Trì, Bãi Cháy, Phú Lương, Gianh, Tân Đệ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Vàm Cống được hoàn thành. Nhiều tuyến quốc lộ khác được đầu tư, nâng cấp như: QL6; QL14, QL61...

Bên cạnh đó nhiều tuyến cao tốc được xây dựng như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành.

Lĩnh vực phương tiện và người lái, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cũng được quản lý hiện đại, chặt chẽ. Bên cạnh đó, vận tải đường bộ đã thực hiện đúng mục tiêu chung trong chiến lược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đó là: Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Nhìn lại những đóng góp to lớn của toàn ngành, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN chia sẻ, phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT đường bộ sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành đường bộ tiếp tục ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình về sứ mệnh “đi trước mở đường”, phát triển và giữ vững mạch máu giao thông của đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.