Đô thị

Đường Nguyễn Xiển ùn tắc triền miên: Dân than khổ, chủ đầu tư vẫn đủng đỉnh

10/11/2022, 11:23

Tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển không hề giảm nhiệt sau hơn một tuần rào chắn để thi công Dự án hệ thống nước thải Yên Xá.

Mất cả giờ đồng hồ để đi vài trăm mét

Những ngày gần đây, hàng nghìn người tham gia giao thông qua đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) thường xuyên phải chịu cảnh ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, đi lại.

Theo chị Vũ Thị Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội): "Mấy ngày gần đây, để qua được đoạn đường khoảng hơn 1km chị và nhiều người khác phải mất tới 35 - 50 phút, có thời điểm còn hơn. Chiều qua, "chôn chân" ở đường Nguyễn Xiển khoảng 20 phút không thấy ùn tắc giảm nhiệt, tôi đành phải vòng qua Nguyễn Trãi ra Trường Chinh rồi rẽ xuống Giải Phóng để về nhà dù biết vòng vèo.

img

Công trường rào chắn nhưng bên trong gần như không có công nhân thi công gây bức xúc

Anh Nguyễn Văn Phương (Hà Đông, Hà Nội) ngán ngẩm cho hay: Đưa con đi khám qua tuyến đường tắc nghẹt, đành phải cho vợ con xuống đi bộ, sau đó di chuyển bằng xe ôm để tới viện. Trong lúc gấp gáp giao thông tắc nghẽn cảm giác khó chịu vô cùng, Hà Nội cần có giải pháp, chặt chẽ hơn trong quá trình cấp phép thi công. Hơn nữa thi công nhưng phải không được để ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đi lại của người dân, đường như này ai dám đi..

Thực tế, tuyến đường Nguyễn Xiển nằm trong hệ thống đường vành đai 3 huyết mạch ra vào thủ đô Hà Nội. Việc rào chắn đến 2/3 lòng đường ở 4 khu vực trong khi chưa hề có phương án phân luồng giao thông từ xa khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này càng thêm phức tạp.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội (đơn vị cấp phép thi công) cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục ùn tắc trên đường.

Song, đến sáng nay (10/11) tình trạng giao thông trên tuyến đường qua khu vực rào chắn vẫn chật như nêm, giao thông ùn tắc kéo dài dù lực lượng CSGT, TTGT căng mình điều tiết, phân luồng.

Trong khi đó, chiếm đến 2/3 mặt đường phục vụ thi công, song, bên trong công trường, chỉ vài công nhân thi công cầm chừng.

Những ngày qua, PV Báo Giao thông đã liên tục liên hệ đến chủ đầu tư dự án gửi giấy giới thiệu đề nghị cung cấp các thông tin huy động nhân công triển khai dự án? Liệu có tình trạng dân khổ cứ khổ, chủ đầu tư cứ "đủng đỉnh"; Việc đảm bảo ATGT trong quá trình thi công dự án triển khai như thế nào?... Tuy nhiên sau gần một tuần, PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có tổng diện tích 13,8ha, có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (tương đương hơn 16.000 tỷ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án trọng điểm của thành phố này được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10-2016, dự kiến được bàn giao vào năm 2022 với công suất 270.000 m3/ngày đêm nhằm thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Khi đi vào hoạt động sẽ xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì.

Đây cũng trở thành một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Sắp rào chắn cả đường Nguyễn Trãi

Bên cạnh xây dựng nhà máy Yên Xá, dự án còn đặt 52km đường cống ngầm ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì để dẫn nước thải. Do vậy, tới đây không chỉ những tuyến đường nói trên, hàng loạt tuyến đường phố sẽ bị rào chắn để thi công dự án.

Gần nhất, theo thông tin của Báo Giao thông, đơn vị thi công sẽ tiếp tục xin giấy phép rào chắn thi công trên đường Nguyễn Trãi. Đây là tuyến đường Hà Nội đang thực hiện thí điểm tách làn cứng riêng ô tô, xe máy, giao thông thường xuyên quá tải, ùn tắc.

Trước thông tin trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ phải xin ý kiến Chủ tịch TP Hà Nội trước khi cấp phép, tránh để người tham gia giao thông bức xúc khi đường Nguyễn Trãi là trục chính vào trung tâm TP, giao thông thường đông đúc.

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, việc thi công dự án trọng điểm là cần thiết nhưng cũng cần đảm bảo ATGT và không để ảnh hưởng nhiều tới hoạt động đi lại của nhân dân.

"Việc này trong quyết định của Bộ GTVT, giấy cấp phép thi công chắc chắn cũng đã nêu rõ. Đơn cử như: Trong suốt quá trình thi công, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất, phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định và tránh gây ùn tắc. Trường hợp ùn tắc phải mở rộng thêm phần đường để đảm bảo cho người dân đi lại. Như vậy, khu vực này rào chắn tới 6 tháng có thể xén vỉa hè để mở rộng mặt đường cho lưu thông", bà Thuỷ nói.

Theo bà Thuỷ, mấy ngày qua, trên tuyến đường đang có thêm CSGT, TTGT phân luồng, điều tiết thủ công. Ngoài ra, qua theo dõi chưa thấy giải pháp nào được thực hiện. Đơn vị nhà thầu cần điều chỉnh thời gian thi công khi tuyến đường thường xuyên ùn tắc. Đồng thời, có thể thay vì rào cứng, chuyển sang rào di động, đảm bảo ATGT bằng cách tăng thêm công nhân trực cảnh giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.