Được sự quan tâm đầu tư đường giao thông nông thôn đến tận nhà, áp dụng các chương trình, mô hình phát triển kinh tế - xã hội giúp cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu vươn lên thoát nghèo, phát triển ổn định.
Ông Diệp Cọp (người đồng bào dân tộc Khmer, ngụ ấp Bà Ai 1, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) phấn khởi chia sẻ: "Trước đây đường sá đi lại khó khăn dữ lắm, nhưng từ khi có lộ bê tông hóa, rồi mở rộng lộ từ 2m lên 3,5m giúp ô tô đi lại được dễ dàng, đời sống của bà con chúng tôi ở đây cũng phát triển hơn".
Đường về trung tâm huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đang được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.
“Có đường đẹp bà con đi lại dễ dàng, tôi tận dụng khoảng đất trống trước nhà tăng gia sản xuất trồng thêm một ít nông sản như: rau, củ, quả,… khi thu hoạch không cần phải chở đi bán nữa, mà bày bán trước cửa nhà luôn, thuận tiện lắm”, ông Cọp chia sẻ.
Cũng theo ông Cọp, nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đối với đồng bào dân tộc, giúp cuộc sống bà con ổn định hơn, nhiều người đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Trước đây, hộ ông Cọp cũng là một trong những hộ nghèo trên địa bàn xã Lộc Ninh, nhưng nhờ chí thú làm ăn, mà giờ đây ông đã thoát nghèo bền vững.
Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, kể từ khi chuyển sang áp dụng mô hình luân canh lúa - tôm cho năng suất cao, thu nhập của gia đình ông ổn định. Hiện tại, gần 10ha lúa Đông Xuân của gia đình ông Cọp đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ lại mang đến vụ mùa bội thu.
“Mô hình lúa - tôm nó bền vững hơn so với các mô hình khác. Một năm làm một vụ lúa, một vụ tôm. Vụ lúa vừa thu hoạch xong, mình làm thêm một vụ tôm. Mỗi năm từ mô hình lúa - tôm gia đình tôi cũng thu nhập được vài trăm triệu”, ông Cọp phấn khởi nói.
Chị Lý Thị B. (ngụ ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) chia sẻ, trước đây đi lại bằng xuống, vỏ lãi (phương tiện đia lại trên sông - PV), những hộ ở vùng sâu, vùng xa đi đến trung tâm xã, trung tâm huyện rất khó khăn. Nhưng nay đã có đường bê tông hóa người dân đi lại được thuận lợi, xe máy về tận nhà.
“Không những vậy, từ khi có đường các tiện ích khác cũng kéo theo như: điện, nước sạch, mạng internet cũng đầy đủ, hai đứa con nhà tôi cũng phấn khởi vì không còn phải học bằng đèn dầu nữa mà thay vào đó là đèn điện chiếu sáng, internet ổn định các con học trực tuyến cũng tốt hơn”, chị B. chia sẻ thêm.
Mô hình lúa - tôm giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Hồng Dân, trong đó, có hộ đồng bào dân tộc Khmer.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Thum, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) cho biết, hiện nay, các ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã có đường sá khang trang, giúp giao thương hàng hóa thuận lợi.
Cũng theo ông Thum, trên địa bàn xã có hơn 3.000 hộ dân, đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 300 hộ, trong đó, tập trung nhiều ở hai ấp Đầu Sấu Đông và Đầu Sấu Tây. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã giảm nhiều so với 5 năm trước, cuộc sống bà con ổn định hơn, nhờ bà con đồng lòng tăng gia sản xuất, chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới khang trang, giàu đẹp.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Bạc Liêu cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu về đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2020 đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa tổng số có 290 công trình (257 công trình xây dựng mới, 33 công trình chuyển tiếp); bao gồm: 275 công trình giao thông, 12 công trình nhà văn hoá ấp, 3 công trình thủy lợi.
Kết quả thực hiện chương trình đã làm thay đổi vươn lên bộ mặt nông thôn, cải thiện và nâng cao cuộc sống người dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân các xã có chương trình. Đến nay đã thực hiện đầu tư xây dựng nhiều công trình sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống, đầu tư đúng mục tiêu chương trình, đúng đối tượng, địa bàn, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân trong và ngoài vùng dự án được hưởng lợi từ Chương trình.
"Những nơi có vốn Chương trình 135 đầu tư, đường giao thông nông thôn khang trang, con em nhân dân địa phương đi lại học hành thuận tiện trong 2 mùa mưa nắng, hàng hóa, nông sản từng bước được lưu thông dễ dàng, đã cải thiện rõ nét môi trường sống, điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn", một lãnh đạo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu thông tin thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận