Làng Gia Trung tại xã Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định) trước kia là một ngôi làng nhỏ nằm lọt trong rừng sâu chỉ vỏn vẹn trên chục hộ, tách biệt với đời sống người Kinh.
Xưa kia, làng chỉ có 2, 3 cặp vợ chồng sinh sống. Theo thời gian, có thêm những cặp vợ chồng mới, họ cùng sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng rồi tách hộ khẩu hình thành những gia đình mới.
Đường bê tông về tận làng, những ngôi nhà mới cũng mọc lên nơi mảnh đất vốn nghèo khó.
Theo chia sẻ của những người cao niên ở đây, đồng bào Bana sinh sống tại làng Gia Trung vốn di cư từ xã Vĩnh Hòa cũ, huyện miền núi Vĩnh Thạnh về xã miền núi Cát Sơn, huyện Phù Cát sinh sống từ năm 1982 đến nay. Đến thời điểm hiện tại, làng Gia Trung có 14 hộ dân với 46 nhân khẩu đều là đồng bào thiểu số Bana.
Theo chỉ dẫn của cán bộ xã, để đến được làng Gia Trung của đồng bào Bana, chúng tôi băng theo con đường bê tông đi qua xóm Sơn Lãnh, thôn Thạch Bàn Tây.
Đường sá khang trang về tận ngõ, những ngày cuối năm, không khí xuân đã ngấp nghé xóm làng. Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông và điện chiếu sáng nên đời sống người dân thay đổi rõ rệt.
Ông Đinh Vừng là người uy tín trong làng Gia Trung chỉ tay về hướng cánh rừng Thuận Ninh chia sẻ, bà con ở đây sống chan hòa, gắn bó với rừng. Tuy cuộc sống của người dân đều phụ thuộc vào rừng, nhưng ít khi làm rừng “tổn thương".
“Tôi về Gia Trung sinh sống từ năm 2000, đến nay đã được 22 năm. Mặc dù cuộc sống không sung túc giàu có, nhưng mọi điều kiện như đường xá, điện, nước, trường học đều được Nhà nước quan tâm xây dựng đầy đủ và tạo mọi điều kiện để cho con em học hành thuận lợi. Hơn hết, có đường xá giao thương buôn bán hàng hóa cũng giúp cuộc sống của chúng tôi no đủ hơn”, già Đinh Vừng cởi mở chia sẻ.
Đường sá về Gia Trung thuận lợi, nhiều nét văn hóa tích cực cũng được người trong làng học tập từ bên ngoài, ý thức người dân không ngừng được nâng cao. Đặc biệt là việc giữ gìn vệ sinh và sống chan hòa với thiên nhiên.
Người đồng bào Bana ở Gia Trung kỳ vọng phát triển kinh tế nhờ hệ thống hạ tầng thay đổi
Đi một vòng quanh làng, đâu đâu chúng tôi cũng thấy cây xanh trồng dọc hai bên đường và trồng quanh nhà. Cổng vào nhà một số hộ dân không phải tre, gỗ hay thanh sắc sơn màu, mà thay vào đó là hàng dâm bụt được uốn cong thành vòng cung tạo hình hài cổng nhà đã làm nên sắc thái riêng biệt cho vẻ đẹp nơi đây.
Càng đi vào sâu trong làng, chúng tôi càng ngạc nhiên vì đường làng rất sạch sẽ, không có những đống rác hay bịch nilon nằm rải rác trên đường như một số nơi vùng nông thôn miền núi khác.
Một người dân cho biết, họ thích ở đây vì không khí trong lành, núi rừng bao bọc không sợ mưa lũ hàng năm. Hiện nay đường sá thuận tiện nên cũng không khó khăn lắm khi xuống trung tâm.
Bà con yêu ngôi làng nên giữ gìn vệ sinh để phòng tránh bệnh tật do ô nhiễm môi trường gây ra. Mỗi người dân trong làng đều ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh để tạo cảnh quan vẻ đẹp thiên nhiên cho ngôi làng và cũng để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nói về cuộc sống của đồng bào Bana làng Gia Trung, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Sơn cho biết, bà con đã sinh sống ở làng Gia Trung 40 năm qua.
Mới đầu chỉ có 2, 3 cặp vợ chồng, sau sinh con đẻ cái, tách hộ thành gia đình riêng, họ sinh sống chủ yếu lao động nông nghiệp, trồng trọt nương rẫy, làm thuê.
Theo ông Sang, bà con ở Gia Trung có đầy đủ điện, nước, trường học, trạm y tế phục vụ sinh hoạt. Riêng vấn đề bảo vệ môi trường thì bà con ý thức chấp hành rất tốt, rác thải sinh hoạt được xử lý tại chỗ. Tuy UBND xã chưa đủ điều kiện đi thu gom rác ở vùng sâu, xa nhưng bà con vẫn giữ nếp sống văn minh nơi buôn làng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận