Hoàn thành tuyến đầu tiên chỉ trong 6 năm
Là quốc gia thứ 4 trên thế giới thực hiện đường sắt tốc độ cao, sau Nhật Bản (năm 1964), Pháp (năm 1981) và Đức (năm 1991), Tây Ban Nha bắt đầu tính đến việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên là từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ 20 để giải quyết bài toán làm một tuyến đường tránh đèo Despeñaperros - nút thắt cổ chai giao thông từ Thủ đô Madrid đến phía Nam của bán đảo Iberia, nơi có địa hình phức tạp, không bằng phẳng.
Trong quá trình tìm kiếm giải pháp vào năm 1984, công ty Ineco đã được giao nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu.
Thời điểm này tiềm lực kinh tế của “xứ sở bò tót” tương đối mạnh và chỉ hai năm sau, tháng 10/1986, chính phủ quyết định ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt dẫn đến thành phố Seviile thuộc vùng Andalusia, trên bán đảo Iberia với tên gọi NAFA, giúp rút ngắn tổng khoảng cách lên đến 100km.
Tàu tốc độ cao AVE của công ty đường sắt Renfe tại nhà ga Atocha, Thủ đô Madrid. Ảnh: Europa Press via Getty Images
Để thực hiện kế hoạch này, Tây Ban Nha đã thành lập một nhóm các kỹ sư từ công ty quốc doanh Renfe, Bộ Chương trình Đô thị và Giao thông vận tải Tây Ban Nha cùng công ty Ineco để tối ưu hóa việc thực hiện.
Trong 1 năm, các kỹ sư, kỹ thuật viên của 3 đơn vị này đã chạy đua với thời gian thực hiện các thiết kế sơ bộ và chi tiết cho NAFA.
Toàn bộ dự án hạ tầng và đường ray do kỹ sư của Ineco đứng đầu, thực hiện, còn công ty Alstom của Pháp chế tạo đầu máy tàu, nhóm công ty AEG Siemens của Đức phụ trách về đường điện cho toàn bộ dự án.
Chỉ trong vòng 6 năm kể từ khi chốt phương án, Tây Ban Nha đã xây dựng được tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên dài 471km.
Chuyến tàu thương mại đầu tiên từ Madrid tới Seviile diễn ra thành công vào ngày 21/4/1992.
Điều đáng nói là Tây Ban Nha đã giải quyết được bài toán hóc búa về địa hình trong quá trình xây dựng đường sắt cao tốc.
Vì bán đảo Iberia có địa hình cực kỳ phức tạp, không bằng phẳng nên để có thể xây dựng hạ tầng cho tàu cao tốc di chuyển ở tốc độ 250 - 300km/h đòi hỏi đường ray phải có độ nghiêng không quá 3%, cần thi công đường hầm và cầu cạn dành riêng. Nền đường ray đòi hỏi thông số kỹ thuật khắt khe và nghiêm ngặt.
Ngay trong tuần đầu tiên, có hơn 23.000 hành khách sử dụng tàu mới, tỷ lệ ghế chiếm 81%.
Tỷ lệ sử dụng vận tải hàng không giữa Madrid và Seville đã giảm mạnh trong vòng 3 năm từ 40% (năm 1991) xuống còn 13% (năm 1994) trong khi thị phần đường sắt tăng từ 16% lên 51%.
Tính đến năm 1999, riêng trên tuyến Madrid – Seville, đường sắt tốc độ cao đã vận tải số hành khách gấp 4 lần hàng không.
Phục vụ 100.000 người/ngày, kết nối 47 thành phố
Số lượng khách sử dụng hệ thống đường sắt tốc độ cao luôn tăng bền vững qua từng năm, lên đến 22,4 triệu khách trong năm 2019
Sau bước ngoặt này, trong hơn 3 thập kỷ qua, Tây Ban Nha đã phát triển trở thành một trong những hệ thống đường sắt tiên tiến nhất trên thế giới xét về chiều dài, mức độ hiện đại, tốc độ thương mại, chỉ số đúng giờ.
Tính đến hiện tại, hệ thống đường sắt tốc độ cao Tây Ban Nha dài 3.402km là hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất hoạt động tại châu Âu và thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Kể từ khi hình thành, hệ thống đường sắt cao tốc nước này đã phục vụ hơn 400 triệu người, khoảng 100.000 người/ngày, kết nối 47 thành phố. Cứ 3 người thì có 2 người Tây Ban Nha tiếp cận hệ thống vận tải cao tốc ở địa phương.
Số lượng khách sử dụng hệ thống đường sắt tốc độ cao luôn tăng bền vững qua từng năm, lên đến 22,4 triệu khách trong năm 2019, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Không dừng ở đó, Chính phủ Tây Ban Nha tiếp tục đưa việc mở rộng đường sắt vào kế hoạch phát triển trung hạn. Hiện tại đang có nhiều tuyến đường sắt mới như tuyến đường hành lang phía Bắc đang trong quá trình xây dựng và nhiều tuyến khác nắm trong kế hoạch phát triển.
Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận đường sắt, lên đến mức cứ 10 người dân thì có 9 người nằm trong bán kính 30km tính từ nhà ga đường sắt cao tốc.
Động lực chính cho phát triển kinh tế, xã hội
Hoạt động kiểm tra, bảo trì đường sắt của công ty Ineco
Việc đầu tư đường sắt cao tốc đã đưa ngành này trở thành một trong những động lực chính về phát triển kinh tế và xã hội. Cụ thể, việc tăng đầu tư hạ tầng sẽ tạo thêm việc làm cả trực tiếp và gián tiếp, củng cố kết nối vùng, mở ra các thị trường mới.
Đường sắt cao tốc là lựa chọn được nhiều người Tây Ban Nha ưa dùng để đi lại chặng trung và dài nên cũng là giải pháp hiệu quả giảm tải cho các tuyến đường bộ, hàng không tắc nghẽn. Qua đó, tình trạng ô nhiễm không khí cũng được cải thiện.
Trên hệ thống đường sắt cao tốc Tây Ban Nha, tốc độ khai thác thương mại trung bình là 222km/h, cao hơn so với các quốc gia hàng đầu như Nhật Bản và Pháp.
Kể từ cuối những năm 80, tốc độ tàu đã tăng lên 160%, nổi bật là tuyến đường cao tốc giữa Barcelona và Madrid với tốc độ khai thác thương mại trung bình trên hành trình xuyên suốt, không điểm dừng là 248km/h. Kết quả, thời gian di chuyển giữa hai thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha chỉ mất 2 giờ 30 phút.
Với sự phát triển của tàu cao tốc, tính trong giai đoạn từ năm 1992 – 2016, nước này đã tiết kiệm ước tính 4,286 tỷ euro nếu xét về tác động kinh tế đối với biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tỷ lệ tai nạn mà phương tiện giao thông này có thể hạn chế so với các phương tiện khác.
Trong 25 năm đầu tiên, ước tính, đường sắt tốc độ cao giúp hạn chế được hơn 12,9 triệu tấn khí thải CO2 và 2,6 triệu tấn dầu.
Trong cuộc gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Danh Huy mới đây, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Tây Ban Nha tại Việt Nam Pilar Méndez bày tỏ: “Việt Nam cũng có những điểm tương đồng về mặt địa lý để phát triển hệ thống đường sắt như Tây Ban Nha. Vì vậy, Tây Ban Nha mong muốn hợp tác với Bộ GTVT Việt Nam trong việc phát triển hệ thống đường sắt nói chung và đường sắt cao tốc nói riêng”.
Qua đây, bà Đại sứ bày tỏ và đề nghị Bộ GTVT Việt Nam cung cấp thông tin về các dự án đường sắt, bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao và dự án đường sắt kết nối.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận