Theo thông tin do hãng Guardian đăng tải ngày 19/6, sự việc mới nhất xảy ra cách đây 1 ngày, khi đoàn tàu tốc hành của công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn bị hỏng máy gần Thủ đô Berlin. Lính cứu hỏa đã phải sử dụng thiết bị chuyên dụng để cạy cửa các toa tàu, giải cứu khoảng 1.200 hành khách.
Khi được giải cứu, nhiều hành khách đã mệt lả do mắc kẹt quá lâu trong khi hệ thống điều hòa không khí bị hỏng.
Một số đoạn video quay hiện trường sự việc cho thấy, lính cứu hỏa hỗ trợ đưa hành khách ra ngoài. Trong số đó có nhiều người ngồi xe lăn, trẻ em. Các đoàn tàu khác di chuyển trong khu vực đã buộc phải dừng lại phòng nguy cơ hành khách vẫn đang di chuyển trên đường ray.
Ảnh minh họa
Theo hãng tin Guardian, đây là sự cố mới nhất tiếp nối tình trạng tàu của công ty Deutsche Bahn liên tục hoãn hủy chuyến, gặp trục trặc kỹ thuật thời gian gần đây.
Chính phủ Đức khẳng định vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu không phát thải carbon của Berlin. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng hiện tại của cơ sở hạ tầng đường sắt tại Đức khiến quốc gia này khó có thể thực hiện những mục tiêu trên.
Theo Guardian, Đức có kế hoạch “Germany Rhythm” nhằm đồng bộ hóa hoạt động vận tải đường sắt khu vực với vận tải hành khách đường dài, để phục vụ cả khu vực nông thôn và đô thị ở Đức với tần suất nửa giờ/chuyến nhưng đã phải hoãn thời gian thực hiện từ năm 2030 đến tận năm 2070.
Về phần mình, công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn thừa nhận các sự cố gần đây với dịch vụ của công ty là hậu quả của tình trạng đầu tư chưa đúng mức kéo dài trong nhiều năm và thiếu nhân sự trầm trọng. Một phần nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Guardian dẫn lời các chuyên gia nhận định Đức cần đầu tư 60 tỷ euro vào hệ thống đường sắt nhưng con số này vẫn là mức ước tính “khiêm tốn” trong bối lạm phát tăng cao.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Die Zeit, ông Michael Peterson - người đứng đầu bộ phận vận tải đường dài của Deutsche Bahn cho rằng: “Từ những năm 1970, nước Đức đã đầu tư quá ít cho ngành đường sắt. Để tiện so sánh, Thụy Sĩ đã đầu tư vào đường sắt cao gấp 5, 6 lần so với Đức tính trên bình quân đầu người, trong khi Áo đầu tư nhiều gấp 3 lần. Hệ quả là, rõ ràng, tình trạng thiếu đầu tư đã khiến cơ sở hạ tầng đường sắt tại Đức bị xuống cấp”.
Tuy nhiên, theo ông Peterson, thời gian gần đây, công ty Deutsche Bahn bắt đầu đẩy mạnh sửa chữa, hiện đại hóa hệ thống đường ray, tín hiệu, ga tàu, điểm giao cắt đường bộ với đường sắt…
Ông Peterson nhận định, tới năm 2029, dịch vụ đường sắt tại Đức sẽ được cải thiện nhiều để quốc gia này có thể tăng gấp đôi công suất vận tải hành khách bằng tàu hỏa vào năm 2030 như kế hoạch đã định ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận