Bão lũ gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho đường sắt - Ảnh minh họa |
Năm 2014, dù bão lũ ảnh hưởng đến vận tải đường sắt không nhiều so với năm 2013, khi chỉ có cơn bão số 2 và số 3, tuy nhiên, mức thiệt hại của ngành cũng lên tới hơn 7 tỷ đồng.
Hàng năm, Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) và các đơn vị thành viên đều xây dựng kế hoạch, phương án và triển khai công tác phòng chống lụt bão, tuy nhiên mức thiệt hại vẫn rất lớn và còn bộc lộ nhiều tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó ban Vận tải - Đầu máy toa xe VNR cho biết, thông tin quá trình cứu chữa, tiến độ khôi phục giao thông chưa kịp thời nên trong công tác lập kế hoạch chạy tàu hàng ngày, khôi phục biểu đồ chạy tàu gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt cho rằng, công tác thông tin ban đầu về tình hình thiệt hại vừa chậm vừa thiếu. “Các đơn vị chờ xác định khối lượng chính xác mới yêu cầu vận chuyển vật tư. Việc tổ chức phương án chạy tàu bị động. Khi lũ xảy ra trên diện rộng, phải huy động nhiều đơn vị tham gia cứu chữa lại thiếu sự chỉ đạo tập trung về cung cấp vật tư”, ông Quốc Anh nói.
Chỉ thị về công tác phòng chống lụt bão năm 2015 của VNR đã yêu cầu các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt chủ động phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, đề xuất xử lý các công trình đê điều, đập hồ thủy lợi, công trình thủy điện… có khả năng ảnh hưởng đến trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt khi có bão, lụt xảy ra. |
Trong khi đó, vốn dự phòng dành cho công tác khắc phục bão lũ theo quy định hiện hành còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. “Nhiều công trình, vị trí hư hỏng do bão lũ các năm trước đây gây ra chưa được khắc phục hoàn toàn, ảnh hưởng đến tiến độ cứu chữa, khắc phục sự cố thiên tai”, ông Nguyễn Văn Bá, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Lạng - đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa bão năm 2014 cho biết.
Liên quan đến kế hoạch phòng chống lụt bão, thiên tai năm 2015, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc VNR yêu cầu các đơn vị đường sắt chủ động xây dựng, thực hiện các phương án phòng chống lụt bão, thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện - kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ; trong đó, chú trọng công tác diễn tập để sẵn sàng ứng phó.
Ông Hưng cho rằng, các đơn vị phải xác định rõ sự phối hợp và trách nhiệm của địa phương các cấp khi xây dựng phương án phòng chống lụt bão, thiên tai. Mặc dù các quy định pháp luật quy rõ trách nhiệm của địa phương nhưng thực tế sự phối hợp còn lỏng, một số tỉnh, thành chưa chủ động, ngành đường sắt và các đơn vị đường sắt vẫn phải tự xoay trở là chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận