Thanh tra đường thủy làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn một lễ hội trên sông phía Bắc |
Nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó
Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II cho biết, trong các nội dung tập huấn, kế hoạch phòng, chống khủng bố của đơn vị đều xác định cụ thể các địa bàn, vị trí có thể trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử khủng bố như: Cảng xăng dầu, hóa chất, cảng hành khách trọng điểm... “Từ Ban chỉ đạo, các đơn vị trực thuộc và lực lượng cảng vụ viên tại địa bàn đều được quán triệt, tập huấn các tình huống giả định bị tấn công khủng bố để nhận diện, phòng ngừa và ứng phó”, ông Cường nói.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện trên toàn quốc có 277 cảng thủy (gồm 264 cảng hàng hóa, 13 cảng khách, 15 cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài), trong đó trên tuyến đường thủy quốc gia có 220 cảng, tuyến địa phương 57 cảng. Hầu hết các cảng, bến thủy trên tuyến đường thủy quốc gia đã được Cục lập hồ sơ trực tuyến để phục vụ quản lý. Đây cũng là những mục tiêu trọng điểm được Cục chú trọng trong công tác chỉ đạo phòng, chống khủng bố trên lĩnh vực đường thủy. |
Tương tự, lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, đơn vị bên cạnh việc triển khai nghiêm túc các chương trình tập huấn, cũng có kế hoạch trong công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cảng, bến thủy trọng điểm giữa đơn vị và các lực lượng chức năng của các địa phương, thường xuyên có sự trao đổi thông tin, để có sự chủ động cao nhất trong công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa và phòng, chống khủng bố. Quá trình kiểm tra, kiểm soát tại các cảng thủy nội địa, lực lượng cảng vụ nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các nguy cơ mất an ninh và phòng, chống khủng bố. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác cảng cũng phải có phương án phối hợp với lực lượng chức năng trong bảo đảm an ninh, phòng, chống khủng bố.
Thông tin từ Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV cho biết, các cảng thủy được tiếp nhận tàu nước ngoài như cảng Bảo Mai (tỉnh Đồng Tháp), Bình Long, Châu Đốc (tỉnh An Giang)... có vai trò quan trọng tại khu vực phía Nam và được đơn vị xác định là những trọng điểm trong kế hoạch đảm bảo an ninh và phòng, chống khủng bố. Trong các chương trình tập huấn về phòng, chống khủng bố do Bộ GTVT, các Bộ, ngành khác tổ chức, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV đều cử cán bộ, người trực tiếp thực hiện công tác an ninh cảng đi dự lớp tập huấn, để cập nhật, nâng cao công tác đảm bảo an ninh, phòng, chống khủng bố tại các cảng trọng yếu được giao phụ trách.
Đề cập hoạt động của đơn vị trong công tác phòng, chống khủng bố, ông Nguyễn Công Minh, Trưởng chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, các Đội Thanh tra - an toàn trực thuộc Chi cục được xác định có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các điểm có nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến đường thủy quốc gia. Đồng thời, đơn vị cũng chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống nguy cơ khủng bố trên đường thủy.
“Những chỉ đạo về phòng, chống khủng bố đều được Chi cục quán triệt nghiêm túc, thường xuyên nâng nhận thức cho lực lượng thanh tra - an toàn về công tác này”, ông Minh cho biết.
Sẵn sàng phối hợp
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, trên lĩnh vực đường thủy chưa từng xảy ra vụ việc nào mang tính chất khủng bố hoặc gây mất an ninh. Trong nhiều năm qua, những vụ việc nghiêm trọng từng xảy ra như: Cháy nổ, tự chìm đắm, đâm va đều có tính chất tai nạn. Tuy vậy, theo chỉ đạo của Bộ GTVT về triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống khủng bố, Cục ĐTNĐ Việt Nam xác định, công tác phòng, chống khủng bố là nhiệm vụ quan trọng.
“Cục đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo, cũng như xây dựng kế hoạch phòng, chống khủng bố. Đồng thời, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo cấp trên; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đơn vị về trách nhiệm thực hiện Luật Phòng, chống khủng bố”, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam nói.
Theo Ban chỉ đạo của Cục, lĩnh vực đường thủy có các cảng hành khách, hàng hóa trọng điểm và một số cầu vượt sông quan trọng, nên có thể các phần tử khủng bố có thể sử dụng tàu, thuyền hoặc kết hợp với phương thức vận tải đường biển, đường bộ để tiếp cận và tiến hành hoạt động khủng bố, nhằm vào các cảng thủy nội địa, phương tiện du lịch, cảng du lịch, cảng đầu mối xăng dầu, hóa chất... Các cảng thủy nội địa được xem là khu vực quan trọng mà các phần tử có ý đồ gây ra hoạt động khủng bố tính toán đến, nhằm gây mất ổn định về chính trị, kinh tế tại các địa bàn trọng điểm. Vì vậy, đây cũng là các vị trí trọng tâm phòng, chống khủng bố mà ngành ĐTNĐ chỉ đạo các đơn vị thực hiện.
Liên quan đến luồng tuyến các tuyến đường thủy liên vận quốc tế với Trung Quốc, Campuchia qua tuyến sông Vạn Gia - Ka Long, tuyến sông Tiền, sông Hậu - sông Mê Kông... Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đặt ra nhiều yêu cầu trong kiểm soát, phòng ngừa. Những địa bàn được chú trọng là các địa phương khá phát triển về giao thông thủy như: Quảng Ninh, Hải Phòng, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đà Nẵng...
“Cục ĐTNĐ Việt Nam xác định vai trò nòng cốt, chính yếu cho công tác phòng, chống khủng bố trên ĐTNĐ tập trung vào lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ và thanh tra đường thủy. Ban chỉ đạo của Cục thường xuyên chỉ đạo lực lượng có sự chủ động thông tin và phối hợp tốt nhất với lực lượng công an, biên phòng, hải quan, chính quyền các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống khủng bố”, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận