Thống nhất phương án tuyến
Ngày 4/10, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết, tỉnh này đang tiến hành các bước có liên quan, hoàn thiện hồ sơ để đàm phán trình phê duyệt vốn vay đối với dự án đường ven biển miền Tây.
Phối cảnh tuyến đường ven biển miền Tây.
Theo ông Hẳn, đến nay, nhà đầu tư cũng đã có buổi làm việc với tỉnh và tiến hành khảo sát thực địa dự án. Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ nguồn vốn ODA Hỗ trợ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và vốn ngân sách tỉnh đối ứng.
Trước đó, lãnh đạo UBND 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre đã có buổi làm việc để thống nhất phương án tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh đã xem xét kỹ các vị trí đấu nối của công trình cầu vượt sông kết nối liên tỉnh.
Theo đó, vị trí kết nối giữa Bến Tre và Trà Vinh, dự kiến bờ Bến Tre bắt đầu tại khu vực đò Bến Chổi (xã An Qui, huyện Thạnh Phú), sau đó vượt sông Cổ Chiên qua cù lao Long Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).
Tuyến tiếp tục vượt sông Cung Hầu, qua cồn Bần, sau đó kết nối với đất liền phía Trà Vinh tại xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang).
Cuộc họp cũng nhấn mạnh, dự án sẽ sử dụng vốn vay, không phải từ nguồn ngân sách Trung ương. Lãnh đạo Bến Tre và Trà Vinh đã thảo luận về thẩm quyền, phân chia phần vốn vay và vốn đối ứng của từng tỉnh để cùng đầu tư xây dựng các công trình cầu vượt sông.
Mở không gian cho phát triển
Dự án đường ven biển miền Tây có tổng chiều dài 740 km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn các địa phương TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Buổi làm việc giữa 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre về dự án. Ảnh: Chinhphu.vn.
Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối hầu hết các tỉnh ĐBSCL, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy tiềm năng du lịch biển của cả vùng rộng lớn.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 về Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre .
Do địa hình cực kỳ phức tạp, đi qua hầu hết các cửa sông lớn giáp biển Đông nên dự án có mức đầu tư lớn. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng theo từng phần.
Dự án tuyến đường bộ ven biển miền Tây giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Bến Tre, có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh, chiều dài tuyến 53 km.
Cụ thể, điểm đầu của dự án tại Km0+000, giao với đường tỉnh 877B, thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang (đầu cầu Bình Thới 1).
Điểm cuối dự án tại Km53+000, cuối cầu Cổ Chiên 2 (cầu Thạnh Phú), thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, giai đoạn 2 sau năm 2025. Theo đó, sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100m.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết thêm, hiện đơn vị tư vấn đang tiến hành lập hồ sơ, thiết kế kỹ thuật để hoàn thiện từng bước. Để khi có nguồn vốn sẽ chính thức bắt tay vào triển khai dự án.
“Đây là dự án giao thông cực kỳ quan trong trọng, mở ra tuyến hành lang ven biển, tạo sự thông thoáng trong lưu thông, giảm áp lực cho các tuyến quốc lộ hiện hữu.
Đặc biệt, sẽ giúp phát huy những tiềm năng và lợi thế của các tỉnh ven biển. Đối với Trà Vinh, dự án sẽ kết nối với tuyến cầu Cổ Chiên, tuyến ven biển về huyện Bình Đại (Bến Tre), kết nối khu kinh tế Định An và kết nối về cầu Đại Ngãi qua Sóc Trăng.
Tất cả sẽ hình thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, mở ra không gian phát triển trong tương lai”, ông Hẳn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận