Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (ĐT.547 - đường ven biển Hà Tĩnh) dài 120km, thực hiện theo quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt ngày 18/1/2010. Tuyến đường hoàn thành vào cuối năm 2022.
Tuyến đường ven biển này đi qua 6 địa phương của Hà Tĩnh gồm 5 huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
Tuy nhiên, trên tuyến đường ven biển Hà Tĩnh đoạn từ xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) tới xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) xuất hiện nhiều vị trí bị hư hỏng, bong tróc mặt đường.
Cụ thể, đoạn tuyến gần cầu Bản, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, mặt đường bị hư hỏng cả 2 chiều di chuyển. Các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này đều phải giảm tốc độ, đi chậm.
Với đoạn qua thôn 1, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, mặt đường bị hư hỏng ở chiều di chuyển từ huyện Kỳ Anh đi huyện Cẩm Xuyên. Phương tiện lưu thông qua khu vực mặt đường bị bong tróc gần như phải lấn sang làn ngược chiều để tránh các “ổ gà”.
Theo người dân địa phương và các tài xế thường lưu thông trên tuyến, các vị trí nói trên hư hỏng, xuống cấp từ lâu. Cơ quan chức năng đã có nhiều lần cào bóc, vá dặm, tuy nhiên tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều.
"Ngoài chuyện đường xuống cấp, các xe chở vật liệu xây dựng trong quá trình lưu thông trên đường làm rơi vãi xuống mặt đường rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông...", ông Nguyễn Xuân Tiến xã Kỳ Bắc nói.
Ngày 17/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại một số vị trí trên tuyến, công nhân đang cào bóc lớp bê tông nhựa để thảm lại. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công, lượng xe qua lại nhiều nhưng đơn vị chưa chú trọng công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến như: Đặt biển cảnh báo, người điều tiết giao thông, giăng dây...
Theo ông Nguyễn Trần Toản, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại các vị trí hư hỏng, xuống cấp tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án sửa chữa định kỳ từ Km 77+250 đến Km81; một số điểm còn lại đang được đơn vị thi công duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
"Hiện, dự án giao cho ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đang triển khai các bước tiếp theo như lựa chọn nhà thầu, đơn vị thiết kế... để triển khai thực hiện tu sửa".
Tiếp đó, tại các Km98 đến Km 99+500 đoạn qua địa phận các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang xuất hiện chi chít các điểm vá bằng bê tông nhựa. Có những vị trí có diện tích 5 đến 10m2 cũng có những vị trí kéo dài hàng chục mét. Theo người dân địa phương, đường tuy mới đưa vào khai thác nhưng do hư hỏng nên được công nhân cào lên thảm lại.
Nói về nguyên nhân đoạn này sớm hư hỏng, ông Nguyễn Trần Toản cho rằng, trước đó, đi kiểm tra trên tuyến phát hiện không đảm bảo chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu khắc phục, sửa chữa.
Trước đó, vào tháng 10/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị chuyển tuyến đường tỉnh lộ ven biển Hà Tĩnh thành quốc lộ ven biển Hà Tĩnh.
Nguyên nhân, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc không đủ kinh phí bảo trì khiến một số hạng mục của kết cấu hạ tầng giao thông tuyến ven biển này có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, khả năng khai thác và tuổi thọ công trình đường bộ.
Bởi vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, duy trì khả năng khai thác và tuổi thọ lâu dài, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, chấp thuận chuyển tuyến đường ven biển tỉnh Hà Tĩnh thành quốc lộ ven biển Hà Tĩnh và ủy thác cho Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh quản lý, bảo trì, khai thác.
>>> Một số hình ảnh PV ghi nhận trên tuyến đường tỉnh 547 xuống cấp, hư hỏng:
Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (gọi là đường ven biển Hà Tĩnh) dài 120km, bắt đầu từ cầu Cửa Hội (huyện Nghi Xuân) tới điểm giao với quốc lộ 12C ở cảng Vũng Áng (TX Kỳ Anh). Tuyến giao thông đi qua 6 địa phương của Hà Tĩnh, gồm các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.
Trong 120km của tuyến đường ven biển Hà Tĩnh thì có 33km trùng với một số đoạn tuyến đã được đầu tư của các dự án tại 3 địa phương (Lộc Hà, Thạch Hà và TX Kỳ Anh), còn 87km được xây dựng mới qua 2 giai đoạn (chủ đầu tư giai đoạn 1 là Sở GTVT Hà Tĩnh, còn giai đoạn 2 là Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh) với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và một phần ngân sách Hà Tĩnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận