Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị sáng 14/1 |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết của Tổng cục Đường bộ VN hôm qua (14/1), Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục của lĩnh vực này như: Biển báo giao thông, ứng dụng KHCN vào lĩnh vực bảo trì, kiểm soát tải trọng xe...
Giảm TNGT, cơ bản kiểm soát xe quá tải
Ông Vũ Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, năm qua, đơn vị này hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tổng cục cũng làm chủ đầu tư 62 dự án, giải ngân 2.800 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch. Công tác quản lý, bảo trì dần được đổi mới, hiệu quả hơn, quản lý, bảo dưỡng trên 17.500 km đường quốc lộ.
"Truyền thống của ngành GTVT là “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Nếu không bám được cầu, đường thì sẽ hỏng hết. Không yêu những con đường thì đường cầu sẽ hỏng, có nghĩa là vai trò kiểm tra, kiểm soát chưa tốt. Vì vậy, các đơn vị của Tổng cục phải bám sát địa phương, nắm sát các thông tin của tuyến đường để kịp thời sửa chữa, khắc phục, đảm bảo giao thông”. Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Về công tác ATGT, theo ông Cường, Tổng cục Đường bộ VN đã rà soát, điều chỉnh 385 cụm biển báo hạn chế tốc độ, khu dân cư không phù hợp, dỡ bỏ hết các biển tốc độ dưới 40 km/h bất hợp lý, dỡ bỏ 614 biển báo thông tin tốc độ bất cập, cản trở tầm nhìn. “Công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp mạnh. Lượng xe vi phạm vượt tải trọng trên 100% đã giảm cơ bản, chủ yếu còn các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30 - 50% trở xuống”, ông Cường nói.
Liên quan đến công tác KSTTX, ông Võ Văn Văn, Phó giám đốc Sở GTVT Gia Lai chia sẻ thêm, tại Gia Lai đã có 57 doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chở quá tải và đa số chấp hành rất tốt. “Nếu tất cả các tỉnh đồng loạt triển khai kết quả sẽ tốt hơn nhiều”, ông Văn khẳng định.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Phước cho biết, tỉnh đã tìm mọi cách, huy động tất cả các lực lượng chức năng tại địa phương để xử lý. Do đó, đến nay chủ xe, chủ hàng, lái xe đã nâng cao ý thức, cơ bản không còn chở quá tải…
Phải thay đổi cách làm
Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng biểu dương nỗ lực của Tổng cục Đường bộ VN trong việc cơ bản hoàn thành mục tiêu của năm 2015 là “giảm TNGT, không còn xe quá tải” và hoàn thành giai đoạn I Đề án xây dựng 187 cầu treo dân sinh, đem lại hiệu quả rõ rệt về KT-XH, được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá công tác ứng dụng KHCN vào bảo trì đường bộ chưa tốt và yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN phải đẩy mạnh áp dụng KHCN trong lĩnh vực bảo trì đường bộ để tiết giảm chi phí duy tu, sửa chữa, hạn chế nguy cơ xảy ra tiêu cực, thất thoát.
“Tôi đã nhiều lần yêu cầu phải đưa vật liệu mới vào, phải thay đổi điều kiện làm việc, máy móc thiết bị, con người… Cái này chúng ta chưa làm được nên tiến độ chất lượng sửa chữa đường chưa tốt, chưa kiểm soát được vốn đầu tư. Tiền bảo trì một năm tốn 8 nghìn tỷ đồng. Riêng Tổng cục sử dụng đến 7 nghìn tỷ đồng. Vì thế, cần nâng cao chất lượng, tiến bộ của công tác bảo trì sửa chữa để với lượng tiền đó làm nhanh hơn, tốt hơn, rẻ hơn. Đây là vấn đề vô cùng lớn, là đòi hỏi của người dân”, Bộ trưởng nói.
Nói thêm về những tồn tại, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến những bất cập về hệ thống biển báo giao thông. “Tôi thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về biển báo, sơn kẻ vạch đường gây bức xúc và nguy cơ TNGT”, Bộ trưởng cho biết và lấy ví dụ về hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa vừa thông xe mới đây, lẽ ra phải điều chỉnh đèn tín hiệu để khai thác tốt hơn nhưng lại không thực hiện kịp thời dẫn đến ùn tắc ngược. “Việc đấy không thể cứ đổ trách nhiệm cho địa phương, là do Hà Nội quản lý. Vậy, vai trò quản lý Nhà nước là ở đâu? Rất nhiều biển báo bất hợp lý. Trong khi chưa thay kịp biển báo mới được thì những biển báo cũ, bất cập ấy nên nhổ đi, rồi cho cắm sau để không gây bức xúc cho người dân”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đầu tư bao nhiêu tiền của để đầu tư hạ tầng tốt hơn, xe tốt lên nhưng biển báo vẫn để tốc độ cũ sao xứng với chủ đề “vì sự hài lòng hơn của người dân”.
Về công tác KSTTX, Bộ trưởng cho biết, sau khi thực hiện KSTTX, đến nay xe quá tải đã giảm hơn 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi xe quá tải hoạt động ngang nhiên, chưa bị xử lý dứt điểm. Tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó những xe cố tình chở quá tải do có chỗ dựa thì mới dám lộng hành như vậy. Để xảy ra tình trạng này trước hết là do công tác phối hợp chưa tốt giữa Tổng cục và các địa phương chưa tốt.
“Dứt khoát trong năm nay phải hết xe quá tải. Khu vực, địa phương nào còn xe quá tải phải xử lý cán bộ. Đó là các Cục trưởng, Chi cục trưởng. Cần phải có sự nhạy cảm trong công việc, chủ động nắm bắt thông tin, thể hiện sự quan tâm, biết đau với nỗi đau người dân và chia sẻ với người dân”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận