Khi niềm hy vọng của gia đình vụt tắt
Những ngày đầu tháng 12/2022, PV Báo Giao thông về thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Tâm (57 tuổi) và vợ là bà Phạm Thị Phượng (61 tuổi, trú tại thôn Diêm Tỉnh, xã Hồng Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng không có đồ vật gì giá trị, ông Tâm mù loà ngồi bó gối, cạnh đó là cô con gái Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1990) lúc tỉnh, lúc mê, ngơ ngơ ngác ngác. Còn bà Phượng gầy xanh, chiếc cổ phình to vì bệnh bướu cổ đang tất tả rửa chân tay chạy vào nhà đón khách.
Chị Ngọc lúc tỉnh, lúc mơ chụp hình cùng bố mẹ
Rót chén nước mời khách, bà Phượng thở dài cho biết, trước đây, ngoài công việc cấy 4 sào ruộng, ông bà chăm chỉ làm lụng, ai thuê mướn gì cũng làm, chỉ với mong ước lo cho hai con ăn học, thoát cảnh nhà nông lam lũ.
"Hồi ấy nhà tôi nghèo, nhưng đầm ấm lắm, vì Ngọc và em nó (Nguyễn Hữu Thường, sinh năm 1992 - PV) đều ngoan, chăm chỉ học hành và phụ giúp gia đình", bà Phượng nhớ lại.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh gia đình ông Tâm bà Phượng, xin độc giả và các nhà hảo tâm gửi qua tài khoản Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông, số tài khoản: 15000106087, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội. Nội dung gửi xin ghi rõ: Ủng hộ gia đình Tâm - Phượng (Thái Bình).
Nhưng éo le thay, hơn chục năm trước, mắt ông Tâm cứ mờ dần. Bác sĩ nhận định ông bị khô giác mạc và đưa ra phác đồ điều trị nhưng ông bảo nhà nghèo, dành dụm lo cho 2 con ăn học, nên ông không thực hiện điều trị.
Đến khi xung quanh chỉ còn một màu đen quánh, ông Tâm mới gặp bác sĩ lần thứ 2. Lúc này bác sĩ chẩn đoán mắt ông đã mù, không thể cứu chữa được nữa ngoài việc thay giác mạc.
Một khoảng thời gian ngắn ngủi, ông bà đã hi vọng được nhận giác mạc từ người khác hiến tặng. Tuy nhiên, hi vọng ấy cũng sớm lụi tắt vì ông nghĩ rằng nếu có người tặng giác mạc, ông bà cũng không thể chi trả được chi phí phẫu thuật.
"Thường lúc ấy đã xin được hiến tặng bố một mắt của mình, để bố có thể nhìn thấy mọi thứ trở lại nhưng ông ấy nhất định không đồng ý. Ông ấy không muốn con trai bỗng dưng trở thành người khuyết tật", bà Phượng cho hay.
Đúng thời điểm này, chị Ngọc 3 năm liên tiếp thi Đại học Sư phạm đều bị thiếu 0,5 điểm, nên đành theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Nhưng do 3 năm liền trượt ngôi trường đại học mơ ước, chị Ngọc trở nên trầm mặc, chán nản.
Học cao đẳng năm thứ 2, Ngọc bắt đầu có dấu hiệu của bệnh tâm thần, miệng nói nhảm, mỗi lần lên cơn lại đập phá tất cả đồ vật trong nhà, miệng không ngừng chửi tục. Gia đình đưa Ngọc đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình, sau đó thấy có phần thuyên giảm nên đưa về nhà điều trị. Thế nhưng, chị Ngọc chẳng thể trở lại bình thường, cứ ngơ ngác thơ thẩn, loanh quanh trong căn buồng riêng.
Bố mù loà, chị gái bỗng tâm thần, mẹ thì ốm yếu, Thường bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình. Đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng Thường đành phải gác lại chuyện học hành, đi làm hàn xì kiếm tiền lo cho gia đình.
"Thấy chị gái bị bệnh nặng, nó bảo thôi để con chuyển về gần nhà làm việc. Ngoài công việc ở công ty, con còn giúp bố và chị. Mỗi lần chị đi viện con còn đưa chị đi", bà Phượng nhớ lại lời con trai.
Sau 2 năm làm việc tại Hà Nội, Thường chuyển về làm công nhân may mặc trong công ty tại thị trấn Diêm Điền. Và rồi, chiều tối, trên đường đi làm về, chiếc xe máy Thường điều khiển đã vướng phải dây điện nhà một hộ dân giăng quanh ruộng lúa ven đường để bẫy chuột, khiến chiếc xe lao xuống ven đường và Thường tử vong tại chỗ. Lúc đó, Thường mới 26 tuổi.
Tương lai mịt mù
"Kẻ giăng lưới điện bị TAND huyện Thái Thụy tuyên phải bồi thường cho gia đình 140 triệu đồng. Nhưng đến nay Thường đã qua 4 lần giỗ nhưng gia đình tôi vẫn chưa nhận đồng bồi thường nào", ông Tâm buồn buồn kể.
Thấy từng người thân của của mình lần lượt gặp rủi ro, bà Phượng không còn nước mắt để khóc cho số phận bi thảm của mình. Bà vốn bị điếc từ ngày còn trẻ, thêm căn bệnh bướu cổ, giờ vẫn phải gồng gánh lo toan cho cả gia đình.
Không chỉ chăm lo cho chồng và con gái tâm thần, bà Phượng còn phải gánh vác thêm một trách nhiệm về người em trai của chồng tuổi đã ngoài 40 cũng bị mù lòa, sống một mình ở căn nhà cạnh bên.
Thương hoàn cảnh éo le của gia đình, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ một khoản tiền để xây lại căn nhà khang trang hơn. Nhưng một mình người phụ nữ đau ốm ấy không thể cáng đáng nổi cả gia đình, nên cảnh thiếu trước hụt sau thường trực.
"Tôi cũng không biết tương lai của gia đình tôi, của cái Ngọc như thế nào nữa. Tôi cố được ngày nào thì cứ lo ngày đấy thôi", bà Phượng thở dài.
Ông Hoàng Văn Ngọt, Trưởng thôn Diêm Tỉnh, xã Hồng Dũng, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết, gia đình bà Phượng là hộ nghèo từ rất nhiều năm. Đây có thể xác định là hộ dân có hoàn cảnh bi đát nhất của địa phương.
"Chế độ của gia đình hộ nghèo chỉ được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, ông Tâm bị mù lòa nên được hỗ trợ 400.000 đồng/tháng. Cháu Ngọc bệnh tật mỗi tháng được hỗ trợ hơn 700.000 đồng từ Bảo trợ xã hội. Bà Phượng cấy 4 sào lúa nhưng mỗi năm thu hoạch, trừ các khoản chi phí, còn lại cũng chỉ đủ để ăn, không dư bán được đồng nào", ông Ngọt giải thích thêm và mong các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho hoàn cảnh khốn khó của gia đình ông Tâm, bà Phượng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận