Bàn đạp ga tự bật ngược nếu quá tốc độ
Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC), mục tiêu đề xuất quy định là bảo vệ người dân châu Âu khỏi nguy cơ tai nạn giao thông, đồng thời giúp giảm ô nhiễm không khí do thông thường ô tô chạy càng nhanh sẽ càng tiêu tốn nhiên liệu và phát thải nhiều hơn.
Hệ thống trợ lý tốc độ ISA hoạt động theo hai hình thức là thụ động hoặc chủ động. Với hình thức thụ động, xe sẽ phát ra âm thanh hoặc rung để cảnh báo, kèm theo lưu ý bằng hình ảnh trên màn hình phương tiện.
Với hình thức chủ động, sẽ có một lực tác động đẩy nhẹ, khiến bàn đạp chân ga bật trở lại để nhắc nhở tài xế giảm tốc. Phương tiện cũng có thể lắp đặt thiết bị trực tiếp can thiệp, kiểm soát và điều chỉnh tốc độ phương tiện dưới ngưỡng cho phép.
Hệ thống ISA sẽ theo dõi và phát cảnh báo về tốc độ thông qua nhận dạng biển báo giao thông và hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh GPS.
Số liệu từ Cơ quan Giao thông Vận tải và An toàn Đường bộ Châu Âu cho biết khoảng 40-50% tài xế lái xe nhanh hơn tốc độ giới hạn và 10-20% tài xế thường xuyên vượt quá tốc độ giới hạn hơn 10 km/h.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho biết công nghệ ISA phải đảm bảo không hạn chế khả năng điều khiển phương tiện của tài xế trong suốt hành trình và phải có chức năng cho phép tài xế bỏ qua cảnh báo của hệ thống.
Theo đó, tài xế có thể dễ dàng vô hiệu hóa tính năng cảnh báo vượt tốc độ giới hạn bằng cách nhấn mạnh chân ga một chút. Hệ thống ISA sẽ hoạt động trở lại vào lần khởi động phương tiện tiếp theo.
Ngay khi EU ban hành quy định, nhiều hãng xe như Renault hay Volvo đã giới hạn tốc độ phương tiện mới sản xuất chỉ ở mức 180km/h.
Nhiều băn khoăn
Quy định của EU khiến nhiều người băn khoăn về hiệu quả trong việc kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông bởi hệ thống cảnh báo tốc độ ISA vẫn có thể được lái xe vô hiệu hóa. Số khác cho rằng biện pháp này chỉ là bước khởi đầu hướng tới công nghệ giám sát tài xế trong xe hơi, những biện pháp tiếp theo sẽ còn nghiêm ngặt hơn nữa.
Thực tế theo nghiên cứu của Cơ quan Giao thông Vận tải bang New South Wales (Australia) năm 2010, công nghệ ISA đã giúp giảm 89% trường hợp lái xe quá tốc độ.
Dữ liệu nghiên cứu của cơ quan này chỉ rõ, nếu bắt buộc áp dụng công nghệ ISA tại Australia, khả năng xảy ra tai nạn chết người tại quốc gia này sẽ giảm tới 19%, tương ứng với hơn 200 mạng người mỗi năm.
Cơ quan Giao thông Vận tải bang New South Wales cũng phát hành ứng dụng trợ lý tốc độ Speed Adviser trên điện thoại thông minh, đưa ra cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh cho tài xế trên khắp tuyến đường thuộc tiểu bang, dựa trên công nghệ định vị GPS.
Ngoài cảnh báo lái xe chạy quá tốc độ, ứng dụng còn lưu ý tài xế về camera bắn tốc độ, xe sắp đến khu vực trường học, đoạn đường giao nhau với đường sắt hoặc đoạn đường hạn chế tốc độ theo mùa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận