Đây là thông tin do Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tiết lộ sau hội nghị trực tuyến với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo.
Cùng hợp tác giải quyết vấn đề với Trung Quốc
Quyết định của châu Âu được đánh giá là khá bất ngờ với một số chuyên gia thường xuyên quan sát quan hệ đối ngoại của khu vực này.
Nhà ngoại giao EU Josep Borrel cho biết: “Trong hội nghị trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ cùng Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 27 quốc gia châu Âu, tôi đã đề nghị mở một cuộc đàm phán song phương đặc biệt, tập trung vào Trung Quốc và những thách thức phát sinh từ hành động cũng như tham vọng của nước này đối với cả EU và Mỹ”.
Lời đề nghị được đưa ra chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự định diễn ra vào tuần sau.
Chia sẻ thêm thông tin về cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, ông Borrell cho biết, Mỹ và EU đã trao đổi một số quan điểm liên quan tới thái độ quyết liệt ngày càng mạnh từ phía Bắc Kinh. “Có một số vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc mà Mỹ và châu Âu đang cùng phải đối mặt, bao gồm tình hình tại Hồng Kông. Hai bên cũng thảo luận về việc Mỹ và EU hợp tác, đóng vai trò quan trọng như thế nào khi giải quyết những vấn đề đó”, ông Borrell cho hay.
Về phía Hoa Kỳ, tuy hiện tại Tổng thống Mỹ Donald Trump có hướng tiếp cận không mấy hữu nghị với EU nhưng Ngoại trưởng Pompeo vẫn khẳng định, Washington vẫn sẵn sàng hợp tác với châu Âu, thiết lập mặt trận thống nhất để đối đầu với Trung Quốc.
Khi được báo giới truy vấn về việc có đồng ý với đề xuất thiết lập một cuộc đàm phán song phương về vấn đề liên quan tới Trung Quốc hay không, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận chính thức.
Trong một thông báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Morgan Ortagus cho biết, ông Pompeo cùng các nhà đồng cấp châu Âu đã bàn về tầm quan trọng của việc “duy trì cam kết chung giữa hai bên để ngăn chặn những nỗ lực mà họ cho là làm suy yếu của “xã hội dân chủ” ở Nga và Trung Quốc”.
Tín hiệu không rõ ràng từ châu Âu
Đánh giá về kế hoạch của châu Âu, ông Andrew Small, nghiên cứu sinh cấp cao thuộc Tổ chức German Marshall cho rằng, đây là bước đi hữu ích đối với những quốc gia muốn Trung Quốc thể hiện cách tiếp cận nghiêm túc hơn trong các chính sách hợp tác của nước này với các nền dân chủ tự do.
Song, một số nhà quan sát ngoại giao tỏ ra rất ngạc nhiên trước đề xuất của ông Borrell vì chỉ cách đây vài ngày, trên trang blog cá nhân, ông này có vẻ như đề xuất rằng EU không nên hình thành liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.
“Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang xung quanh trục chính là các vấn đề chính trị toàn cầu, áp lực phải chọn giữa hai phe phái tăng cao. Là những người châu Âu, chúng ta nên làm theo cách của chính mình bất chấp thách thức đi kèm”, ông Borrel cho hay.
Cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Washington, bà Bonnie Glaser cho rằng: “EU đã đưa ra những tín hiệu khá mâu thuẫn về việc họ có muốn phối hợp với Mỹ để giải quyết hiệu quả những thách thức từ Trung Quốc hay tự đi theo hướng riêng của mình”.
Tuy nhiên, nhà cố vấn Glaser cũng nhận định, nếu có thể tổ chức cuộc họp với Mỹ, đây có thể là kênh hữu ích để mỗi bên thảo thuận và bàn bạc về những khác biệt của nhau và biết đâu đó, có thể đến một hướng giải quyết chung.
Về hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc sắp tới, ông Borrell cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đàm phán để xem có thể tìm điểm chung sau Hội nghị này hay không nhưng việc đưa ra một thoả thuận song phương có lẽ không dễ dàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn thảo với các đối tác Trung Quốc cho đến phút cuối”.
Sự kiện thượng đỉnh lần này sẽ là lần đầu tiên mà Chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu Charles Michel và Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận