Thị trường

EVN sắp điều chỉnh giá điện?

26/03/2024, 20:01

Thủ tướng vừa phê duyệt Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định 24 năm 2017. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5.

Theo đó, hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, giá bán điện bình quân năm được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu, gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

3 tháng được điều chỉnh giá điện 1 lần

Điểm mới trong quyết định này so với Quyết định 24 là, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép giảm tương ứng. Và thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giảm xuống 3 tháng, thay vì mức cũ là 6 tháng.

Quyết định này vẫn giữ nguyên thẩm quyền được điều chỉnh giá điện. Theo đó, khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép tăng giá điện.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền tự quyết mức tăng. Còn với mức tăng 5-10%, EVN chỉ được phép tăng khi có sự chấp thuận từ Bộ Công thương.

EVN sắp điều chỉnh giá điện?- Ảnh 1.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên, hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Sau đó, báo cáo Thủ tướng xem xét có ý kiến.

Để điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, trước ngày 25 tháng đầu tiên Quý II, Quý III và Quý IV, EVN xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm; xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm (bao gồm cả chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ), ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và cập nhật các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện để tính toán lại giá bán điện bình quân...

EVN còn lỗ hàng chục nghìn tỷ

Với mức lỗ tổng cho 2 năm 2022 và 2023 gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng), một chuyên gia về giá cho rằng, sau khi quyết định mới có hiệu lực, EVN cần tăng giá điện ngay để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, cũng là giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện thông suốt, trong bối cảnh cung ứng điện mùa khô sắp tới.

Thực tế, báo cáo từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho thấy, có những thời điểm, công suất tiêu thụ cực đại trong tuần đạt hơn 43.000 MW - cao nhất từ trước đến nay và lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn từ đầu năm 2023 đến 10/3/2023 đạt 38.753 MW).

Có ba nhóm nguồn năng lượng chính đối với hệ thống điện quốc gia là thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo.

Thế nhưng, từ đầu năm, phần lớn các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25-96% trung bình nhiều năm.

EVN sắp điều chỉnh giá điện?- Ảnh 2.

Tỷ trọng nguồn điện năm 2024 theo cơ cấu chủ sở hữu.

Các hồ thủy điện ở miền Trung và miền Nam cũng diễn biến tương tự. Tại miền Trung, có tới 19/27 hồ có lượng nước về chỉ đạt 17-94% trung bình nhiều năm; còn miền Nam, ngoại trừ Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim, thì các hồ thủy điện còn lại đều có lượng nước về chỉ đạt 29-70% trung bình nhiều năm.

Các nhà máy Thủy điện phải hạn chế phát để chuẩn bị cho cung ứng điện mùa khô, và phục vụ sản xuất. Cũng vì thế, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, so với 2023, hiện nay EVN tập trung huy động lớn nguồn nhiệt điện, với mục tiêu vừa đảm bảo điện cho kinh tế xã hội, vừa đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất bởi dự kiến mùa khô năm nay kéo dài. Theo kế hoạch, nguồn nhiệt điện sẽ huy động với mức tăng trưởng 145% so với 2023.

Còn đối với năng lượng tái tạo, EVN sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng này vào các ngày trong tuần, trừ các ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ.

"Năm nay ngành điện sẽ huy động nguồn điện gió cao hơn năm ngoái 25% trong khi đó, nguồn điện mặt trời cũng sẽ được huy động cao hơn năm ngoái 19%", ông Lâm nói.

Như vậy, dù chưa tới mùa khô, EVN đã phải huy động nguồn nhiệt điện giá cao để giữ nước cho thời điểm cao điểm. Điều này cũng khiến EVN phải trả thêm chi phí mua điện từ các nguồn ngoài EVN khi đơn vị này chỉ chiếm 37% tỷ trọng nguồn điện toàn quốc (EVN 11%, 3 tổng công ty phát điện trực thuộc là EVNGENCO1, EVNGENCO2, EVNGENCO3 có tỷ trọng lần lượt là 10%, 6%, 10%).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.