Y tế

F1, F0 đi làm, cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19?

07/03/2022, 16:05

Việc dần coi Covid-19 như “bệnh lưu hành”, thì đề xuất một số trường hợp F0, F1 đi làm là phù hợp nhưng cần nâng cao ý thức cá nhân phòng dịch.

Tùy điều kiện, quyết định F0 đi làm trong thời gian cách ly

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, với việc dần coi Covid như “bệnh lưu hành”, thì đề xuất để một số trường hợp F0, F1 làm việc trong thời gian cách ly của Bộ Y tế là phù hợp. Hiện, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 30 nghìn ca mắc mới Covid-19 nhưng thực tế có thể lên đến trăm nghìn ca bởi nhiều trường hợp nhiễm không khai báo hoặc nhiễm không có triệu chứng, không test cũng có thể đã nhiễm Covid-19.

img

Nhiều cán bộ Y tế nhiễm Covid-19 vẫn tham gia điều trị vì thiếu nhân lực

Như vậy, người nào có triệu chứng, đau ốm thì có thể nghỉ nhưng với F0 không triệu chứng, nhẹ cũng tùy hoàn cảnh, điều kiện khác nhau có thể quyết định đi làm trong thời gian cách ly. Ví như công nhân làm đường hay bác nông dân làm ruộng ở môi trường thông thoáng, xung quanh không có người thì hoàn toàn có thể đi làm. Hoặc trong các cơ sở y tế, thực tế nhiều y bác sĩ nhiễm Covid-19 vẫn công tác tại các khu vực chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19…

Còn với F1 thì cần xác định tiếp xúc gần dưới 2m trong 15 phút, không đeo khẩu trang với F0… song trên thực tế, không ít người xác định chưa đúng, báo cáo F1 tràn lan, rồi cách ly, không đi làm thì rất lãng phí nguồn nhân lực.

Do vậy, ý thức tự giác của mỗi người dân trong giai đoạn này là rất quan trọng. Sau hơn 2 năm, giờ mỗi người đều biết cách dự phòng cho bản thân.

“Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là thực hiện tốt 5K. Nếu làm nghiêm túc, hoàn toàn có thể dự phòng được lây nhiễm với những người xung quanh”, ông Nga cho biết.

F0, F1 đi làm phải thực hiện nghiêm 5K

Còn theo, BS. Trần Văn Phúc, BV SaintPaul, Hà Nội, quan điểm Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm, do vậy các cơ quan nhà nước phải kiểm soát chặt, cách ly các ca F0, F1. Trong khi biến chủng Omicron hiện nay là chủ đạo, có tốc độ lây nhiễm gấp 540 lần chủng Delta, dẫn tới số ca F0, F1 tăng cao trong cộng đồng. Điều này kéo theo thực trạng thiếu hụt nguồn lao động.

Thực tế, có đến 95% số ca mắc Covid-19 là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, và hàng triệu F1 đang bị cách ly. Như vậy, chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực rất lớn mà những người đó vẫn đang làm việc được.

"Tuy nhiên, chúng ta phải căn cứ vào yếu tố khoa học, đang chống dịch vậy không để người lao động tham gia lây lan dịch được. Thực tế, người nhiễm Covid-19 nếu tuân thủ biện pháp phòng thủ cá nhân vẫn an toàn với bản thân họ và người xung quanh bằng việc sử dụng khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn…. ", ông Phúc cho biết.

Để kiểm soát dịch bệnh trong quá trình các F1 đi làm, PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng, các trường hợp này cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K; không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).

Hiện cơ bản người dân đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine và các địa phương cũng đang tiêm mũi nhắc lại và mũi bổ sung. Với cơ quan, xí nghiệp có nhiều F1 đi làm, nếu có điều kiện thì có thể phân chia khu vực làm việc cho các trường hợp này để hạn chế tiếp xúc với các trường hợp khác.

Còn trường hợp làm việc trong không gian hẹp cần mở cửa thông thoáng và hạn chế tiếp xúc gần. Khi các F1 có dấu hiệu của bệnh thì cần thông báo cho cơ quan, đơn vị để tạm cách ly, sau đó thực hiện xét nghiệm.

"Với tốc độ bùng phát như hiện nay, biến chủng Omicron dần thay thế Delta. Dù triệu chứng bệnh Covid-19 do biến chủng Omicron nhẹ hơn, nhưng không có nghĩa để cho lây nhiễm tràn lan không kiểm soát, cần phải hạn chế tốc độ lây để không quá tải hệ thống y tế", ông Phu lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.