Quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vài ngày qua đang tiếp tục là tâm điểm chú ý của các thị trường toàn cầu.
Dự báo Fed sẽ còn cắt giảm 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2024 và kỳ vọng tiếp tục cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025.
Diễn biến này được giới chuyên gia đánh giá tích cực cho thị trường tài chính Việt Nam.
Chứng khoán, xuất khẩu, thu hút FDI sẽ khởi sắc?
Chuyên gia của Dragon Capital nhận định, việc giảm lãi suất của Fed giúp giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái. Hiện tỷ giá ngoại tệ đang giao dịch ở mức 24.650 VND/USD và đồng VND đã tăng hơn 3% so với 2 tháng trước đó.
Ngoài ra, việc Fed cắt giảm lãi suất cũng tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn, góp phần thúc đẩy giải ngân cho đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Chuyên gia của Dragon Capital cũng cho rằng, những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái này. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các công ty sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.
Điều này sẽ tác động tích cực đến giá trị doanh nghiệp, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam, việc Fed hạ lãi suất kỳ vọng hỗ trợ tiêu dùng và kinh tế Mỹ. Qua đó giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc, kéo theo đó là tăng trưởng GDP.
Tương tự, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ - Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, khi lãi suất đồng USD giảm nó sẽ kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, ít nhất là trong cuối năm nay và đầu năm sau, qua đó kích cầu nhu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.
"Khi lãi suất của Mỹ giảm còn kích thích nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của Mỹ và một số nước khác trên thế giới giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam", ông Lực nói thêm.
Bên cạnh đó, lãi suất giảm sẽ thúc đẩy đầu tư FDI vào Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến các quốc gia tăng trưởng cao. Lãi suất với đồng USD giảm vừa kích cầu đầu tư vừa giảm bớt đi áp lực tỷ giá cũng như tạo ra tâm lý yên tâm hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Chu kỳ nới lỏng tiền tệ bắt đầu
Song, ở chiều ngược lại, theo quan điểm của ông Lực, việc Fed giảm lãi suất vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức khó lường.
Do đó, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc Hội, Chính phủ đã đề ra, ông Lực đề xuất các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.
"Chính phủ chỉ đạo, điều hành đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với lộ trình, thời điểm phù hợp khi tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tăng cường kiểm tra - giám sát thị trường và truyền thông nhằm giảm thiểu đầu cơ, găm hàng và hiện tượng "té nước theo mưa" khi cung hàng bị ảnh hưởng do bão lũ vừa qua và khi triển khai lộ trình tăng lương", ông Lực nói.
Cuối cùng, ông Lực cho rằng cần tiếp tục kiên định chính sách tiền tệ như thời gian qua, trong đó tiếp tục linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu.
"Chính phủ tiếp tục ưu tiên các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển, phân bổ tài sản đầu tư quốc tế cũng như kiểm soát rủi ro trong chu kỳ lãi suất giảm như nêu trên", ông Lực khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận