Thời sự Quốc tế

G20 bàn áp thuế với những tập đoàn công nghệ toàn cầu

10/06/2019, 11:41

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều công ty công nghệ, kỹ thuật số...

img
Các Bộ trưởng Tài chính G20 nhóm họp tại Nhật Bản

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều công ty công nghệ, kỹ thuật số..., Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương của các thành viên trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển (G20) đã nhóm họp trong 2 ngày. Trong số nhiều nội dung thảo luận, đáng chú ý là cuộc cải tổ thuế doanh nghiệp lớn nhất trong 1 thế kỷ trở lại đây, trong đó tập trung vào các công ty kỹ thuật số đa quốc gia như Google, Facebook...

Cải tổ để hiện đại hoá hạ tầng thuế toàn cầu

Cuộc nhóm họp cấp Bộ trưởng diễn ra tại Fukuoka, Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 28-29/6 tới tại Osaka. Tại đây, các Bộ trưởng tài chính G20 bàn bạc kế hoạch cải tổ thuế do Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế phác thảo. Dự thảo vạch ra những đề xuất chủ yếu tập trung vào các công ty kỹ thuật số đa quốc gia nhưng cũng không bỏ qua các tập đoàn đa quốc gia truyền thống.

Theo CNN, cuộc cải tổ này nhằm khắc phục những yếu kém trong hệ thống thuế toàn cầu thông qua hai hướng chính: Thứ nhất là khung làm việc, giúp trả lời những câu hỏi như khi nào các doanh nghiệp đa quốc gia phải đóng thuế, liệu có nên thu thuế tại nơi người bán hoặc người mua đặt trụ sở; Thứ hai là đảm bảo các công ty đa quốc gia trả mức thuế tối thiểu, hạn chế chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp để lách luật. Nếu một doanh nghiệp đóng thuế thấp hơn mức tối thiểu, quốc gia nơi doanh nghiệp này đặt trụ sở có thể sẽ yêu cầu đóng thuế cao hơn.

Những thay đổi ở cả hai chiều hướng này sẽ giúp hiện đại hoá hạ tầng thuế toàn cầu. Nhận định về diễn biến trên, Giám đốc Trung tâm về Chính sách thuế và hành chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Pascal Saint-Amans cho hay, một cuộc đại cải tổ là cần thiết vì internet đã thay đổi cách thế giới hoạt động thương mại.

Nhiều năm trở lại đây, kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, cộng đồng thế giới đã sôi sục tức giận trước những cáo buộc Apple, Amazon… trốn thuế bằng chiêu trò đặt trụ sở tại những quốc gia có mức thuế thấp hơn.

Ông Saint-Amans đưa ra ví dụ của Netflix - công ty đặt trụ sở tại Mỹ nhưng có hàng triệu khách hàng tại các quốc gia khác. “Với Netflix, khi họ không có sự hiện diện vật lý tại Anh thì rất khó để có thể đánh thuế vì tài sản trí tuệ của họ nằm ở Mỹ hoặc những nơi khác”, ông nói và nhấn mạnh: “Rất bức bối!”

img
G20 đang bàn bạc về kế hoạch cải tổ thuế doanh nghiệp đa quốc gia toàn cầu, chủ yếu nhắm vào các công ty kỹ thuật số như Google, Facebook…

Mỗi nước một luật sẽ loạn

Dù các lãnh đạo đầu ngành tài chính trong G20 đã bàn bạc nhưng từ nay đến lúc có những thay đổi thực sự về thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia vẫn còn một chặng đường khá dài.

Sớm nhất, Tổng thống và Thủ tướng các nước thành viên trong nhóm G20 có thể ký thông qua cải tổ vào năm 2020. Để làm được điều này cần phải thực hiện khối lượng kỹ thuật khổng lồ, đồng nghĩa, thế giới sẽ chỉ có thể chứng kiến viễn cảnh đại gia công nghệ thay đổi trong vài năm tới.

Dù sao, hiện tại cũng đã có những cú thúc mạnh đối với nhiều công ty và chính phủ một số nước để xúc tiến đưa ra khung làm việc thuế toàn cầu mới.

Nếu đến cuối cùng, cuộc cải tổ thuế doanh nghiệp không thể thực hiện, mỗi nước sẽ thực hiện theo luật của riêng mình, tạo ra một miếng vá vào hệ thống luật toàn cầu. Thì đó sẽ là điều cực kỳ tồi tệ cho đầu tư và thương mại giữa các nước.

img
G20 đang bàn bạc về kế hoạch cải tổ thuế doanh nghiệp đa quốc gia toàn cầu, chủ yếu nhắm vào các công ty kỹ thuật số như Google, Facebook…

Hiện tại, đã có Vương quốc Anh tuyên bố, nếu tiến trình thay đổi không thành công, nhiều nước trong đó có Anh sẽ chọn tiếp tục bằng thuế của riêng mình. Chẳng hạn, Anh muốn áp thuế 2% đối với hoạt động kinh doanh các dịch vụ kỹ thuật số tại Vương quốc này bắt đầu từ tháng 4/2020.

“Chúng tôi đều hy vọng đề xuất cải tổ sẽ thành hiện thực vì bất cứ phương án thay thế nào đều sẽ gây ra hỗn loạn”, ông William Morris, Phó giám đốc Chính sách thuế toàn cầu tại Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers nhấn mạnh.

Theo ông, “nó sẽ tạo ra tác động khổng lồ về cách vận hành doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn tới các quốc gia và tác động sâu tới tăng trưởng. Tôi nghĩ, mọi người cần phải chú tâm tới vấn đề này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.