Đường sắt

Gần 1.200 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang

30/07/2022, 14:21

Bộ GTVT phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.

1.189 tỷ cải tạo sắt gần 1.000km đường sắt

Bộ GTVT vừa phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, giao Ban QLDA đường sắt làm chủ đầu tư. Phạm vi đầu tư là khu đoạn đường sắt Vinh - Nha Trang, với điểm đầu tại ga Vinh (Km319+202), điểm cuối tại ga Nha Trang (Km1314+930).

img

Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang sẽ nâng cấp đường, cầu, ga trên chiều dài đoạn gần 1.000km

Tổng chiều dài dự án khoảng 995,728km. Phạm vi đầu tư không bao gồm các hạng mục đã được đầu tư trong Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016-2020.

Mục tiêu đầu tư dự án là nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; Từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở; Tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Vinh - Nha Trang.

Tổng mức đầu tư dự án gần 1.200 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, từ năm 2022 đến năm 2025.

Dự án thực hiện cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: Cải tạo các cầu yếu; Cải tạo kiến trúc tầng trên, sửa chữa nền đường yếu một số đoạn; Cải tạo bình diện các vị trí có bán kính đường cong (R<400m) và một số hạng mục công trình đồng bộ (cống thoát nước); Cải tạo, nâng cấp một số ga hành khách và hàng hóa.

Theo Quyết định đầu tư, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án: Năm 2022 khoảng 83 tỷ đồng; Năm 2023 khoảng 330 tỷ đồng; Năm 2024 khoảng 530 tỷ đồng; Năm 2025 khoảng 129 tỷ đồng. Dự kiến chuyển tiếp giai đoạn sau số vốn còn lại.

Dự án triển khai thi công trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Về chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 27,65 tỷ đồng. Tuy nhiên, tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng, do UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức thực hiện.

Nâng cấp 15 cầu yếu và 8 ga

Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp đoạnVinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Ban QLDA đường sắt cũng đã hoàn thành, trình Bộ thẩm định báo cáo nghiến cứu khả thi dự án.

img

Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp 8 ga hành khách, hàng hóa, trong đó có ga Đông Hà. Ảnh: internet

Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án với quy mô cụ thể: Đối với công trình tuyến, tiến hành cải tạo, nâng cấp kiến trúc tầng trên (thay ray, tà vẹt, đá ballast…) của 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 57,13km phù hợp với hệ thống hạ tầng hiện hữu.

Cùng đó sửa chữa nền đường yếu 2 đoạn, chiều dài khoảng 2,9km; Cải tạo bình diện tuyến tại 4 đoạn tuyến có bán kính đường cong nhỏ R<400m đảm bảo R≥600m với tổng chiều dài khoảng 4,08km để nâng cao tốc độ.

Đối với công trình cầu, tiến hành cải tạo, nâng cấp 15 cầu yếu. Trong đó xây dựng mới 11 cầu với kết cấu phần trên sử dụng dầm thép, dầm bê tông cốt thép, dàn thép; Mố bằng bê tông cốt thép trên hệ móng cọc bê tông cốt thép. Thay 4 cầu bằng cống hộp bê tông cốt thép trên hệ móng cọc bê tông cốt thép.

Đối với công trình ga, cải tạo, sửa chữa 8 ga, trong đó: 4 ga hành khách gồm Đồng Lê, Đông Hà, Huế, Nha Trang; 4 ga hàng hóa gồm Hương Phố, Kim Liên, Quảng Ngãi, Diêu Trì.

Đối với hạng mục thông tin tín hiệu, cải tạo, di dời và hoàn trả đồng bộ với hệ thống thông tin tín hiệu hiện tại trên các khu gian và nhà ga.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường sắt lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án, tuân thủ quy định, phù hợp với thời gian thực hiện dự án được phê duyệt, kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để triển khai công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án. Thực hiện bảo vệ môi trường theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bộ cũng yêu cầu tổ chức thi công các công trình trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác chạy tàu phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định như thỏa thuận, cấp phép..., đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu.

“Quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư dự án, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật.”, Quyết định của Bộ GTVT nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.