Gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng
Theo số liệu Vụ Thanh toán (NHNN) cung cấp tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” ngày 4/8, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tại sự kiện. Ảnh: NB
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022 nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; Qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; Qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; Qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).
Đến 30/6 năm nay cả nước có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Nhiều ngân hàng chuyển đổi số đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt mục tiêu đặt ra là 70% vào năm 2025; Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống 30%, tiệm cận tỷ lệ nhiều ngân hàng khu vực đang chuyển đổi số hướng tới.
900.000 tỷ đồng giao dịch qua ngân hàng/ngày
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, chuyển đổi số của ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ và người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đứng trước thách thức phải mở rộng hệ sinh thái, áp lực chuyển đối, kết nối nhiều hơn.
“Chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái thanh toán cung cấp hơn 2.000 sản phẩm và dịch, bởi 50 đối tác. Số lượng giao dịch thanh toán vào tháng 6/2022 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 600.000 giao dịch/tháng”, ông Hưng cho hay.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cho hay, cách đây 5 năm, một ngày có 50.000 giao dịch ngân hàng, hiện nay con số đã lên tới 8 triệu giao dịch/ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/1 ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng.
Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Đã có sự kết nối liền mạch, khách hàng qua các ứng dụng mobile banking có thể xem mình dùng bao nhiêu số điện, thanh toán tiền, ngay lập tức kho dữ liệu gạch hóa đơn và hạch toán ngay.
Ông Dũng cũng thông tin, thực hiện Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đặt ra đến năm 2025 là: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động…
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số ngân hàng; Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại sự kiện. Ảnh: NB
Ngành ngân hàng phải thay đổi phương thức làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tinh thần chuyển đổi số một cách toàn diện, mạnh mẽ với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và nhà nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.
Thủ tướng cũng nêu rõ, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử…; Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp.
Bên cạnh đó, sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế; Tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; Các nguồn lực, nhất là nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thay đổi tư duy, phương pháp luận, phương thức làm việc của ngành ngân hàng theo hướng hiện đại; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, phát triển xã hội số, kinh tế số, tiết giảm chi phí, bảo đảm an toàn, đổi mới, phát triển; Đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận