Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 7 triệu người chết vì các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, ung thư gan... Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến ở nam giới. Theo Thống kê của Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 người mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư.
Ngoài ra, các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ cũng rất phổ biến, có khoảng 25% dân số thế giới mắc gan nhiễm mỡ ở các mức độ khác nhau. Các bệnh lý về gan nếu không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển nhanh chóng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó việc phòng ngừa bệnh gan là điều vô cùng cần thiết.
Ảnh minh họa.
Trong cuộc sống thường ngày, một số thói quen xấu có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của gan, khiến gan tổn thương và suy yếu. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, mọi người nên thay đổi những thói quen dưới đây.
1. Lạm dụng rượu, bia
Rượu bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý về gan, trong đó gan nhiễm mỡ do rượu và viêm gan do rượu là hai căn bệnh phổ biến nhất.
Gan nhiễm mỡ do rượu là sự tích tụ các chất chuyển hóa của rượu trong gan, cản trở quá trình chuyển hóa chất béo của gan và khiến mỡ tích tụ trong gan. Còn viêm gan do rượu là một phản ứng viêm gây ra bởi các chất chuyển hóa của rượu trong gan, có thể dẫn đến tổn thương và làm chết tế bào gan.
Ngoài ra, tình trạng lạm dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc xơ gan. Theo thống kê, 10-20% người nghiện rượu mạn tính sẽ phát triển bệnh xơ gan, xơ gan cũng có thể dẫn đến suy gan hoặc ung thư gan.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống nhiều hơn 30g cồn, tương đương với 2-3 lon bia 355ml mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ do rượu, suy gan, xơ gan.
Ảnh minh họa.
2. Nạp quá nhiều đường
Quá trình chuyển hóa đường chủ yếu diễn ra ở gan, lượng đường dư thừa có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa chất béo ở gan, gây suy giảm phản ứng với insulin khiến mỡ tích tụ trong gan, từ đó gây ra gan nhiễm mỡ không do rượu.
Ngoài ra, lượng đường dư thừa có thể dẫn đến hội chứng chuyển hóa, bao gồm tình trạng béo phì, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và mỡ máu cao, tất cả đều có thể gây hại cho gan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và xơ gan.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ khoảng 25 gam đường. Lượng đường này bao gồm đường fructose tự nhiên có trong thực phẩm và đường bổ sung.
3. Nạp dư thừa chất béo
Nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm chiên rán đặc biệt có hại cho gan. Các chuyên gia cảnh báo rằng lượng chất béo và chất béo bão hòa trong thực phẩm chiên rán có thể làm tăng nguy cơ béo phì, khiến lượng chất béo tích tụ trong gan và làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.
Ảnh minh họa.
4. Lạm dụng thuốc
Việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tổn thương gan ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. Lạm dụng một số loại thuốc có thể gây tổn thương gan và chức năng gan, thậm chí gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm gan và xơ gan. Chẳng hạn như lạm dụng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc kháng sinh,...
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị người dân chỉ nên sử dụng thuốc theo đơn hoặc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, những bệnh nhân phải sử dụng thuốc trong thời gian dài cần kiểm tra chức năng gan thường xuyên.
5. Thức khuya, thiếu ngủ
Thức khuya thiếu ngủ có thể gây tổn thương gan ở các mức độ khác nhau như tăng gánh nặng cho gan, giảm chức năng chuyển hóa của gan, tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan…
Một nghiên cứu trên chuột được đăng tải trên tạp chí American Journal of Physiology - Endocrinology and Metabolism đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu ngủ đã gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất glucose và xử lý insulin của gan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như gan nhiễm mỡ (gan nhiễm mỡ) và bệnh tiểu đường loại 2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận