Từ bạt ngàn lau sậy, bộn bề khó khăn, hàng ngàn thanh niên Hà Nội đã góp phần xây dựng nên sự trù phú, một Hà Nội thu nhỏ trên cao nguyên.
Ông Lê Tiến Thành (ngồi giữa) và ông Trần Minh Khiến (bên trái) kể về những tháng ngày đầu đi tiền trạm ở vùng kinh tế mới
Chuyện của những người tiên phong
Năm 1976, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, một đoàn cán bộ và nhân dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã vào xây dựng vùng kinh tế mới ở Nam Ban và Lán Tranh (thuộc huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) làm tiền đề cho việc khai hoang mở đất, đánh thức tiềm năng của vùng đất đỏ bazan màu mỡ, tạo nên vùng kinh tế mới trên cao nguyên Lâm Đồng.
Lãnh đạo huyện Lâm Hà thông tin, thu nhập bình quân đầu người ở Lâm Hà năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm. Huyện có 14/14 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, mỗi xã đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân thông qua hợp đồng ký kết thời hạn 3 - 7 năm. Huyện đã được xếp hạng sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) với 14 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm 3 sao.
Mê Linh, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh... những cái tên mà chỉ nghe thôi đã nghĩ về Hà Nội. Nhưng không, đó là những địa danh trên bản đồ hành chính của huyện Lâm Hà - vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Văn Bình, trú tại thị trấn Đinh Văn, từng là một thanh niên Hà Nội tình nguyện cho biết, ngày ấy, chương trình lên Tây Nguyên khai hoang lập nghiệp tỉnh nào cũng tổ chức. Tuy nhiên, Hà Nội tổ chức bài bản hơn khi động viên tình nguyện viên đi trước.
Ông Trần Minh Khiến, Chủ tịch hội Thanh niên xung phong huyện Lâm Hà ví von: “Những người đi tiền trạm là những “chiến binh không súng đạn”.
Sau khi đất nước thống nhất, Hà Nội đã đưa những thanh niên nam, nữ phơi phới tuổi 20 lên khu vực rừng thiêng nước độc Nam Ban, Lâm Hà để khai hoang, phát rẫy, làm nhà”.
Ông Lê Tiến Thành, trú tại thị trấn Nam Ban, một trong những thanh niên Hà Nội tình nguyện đi tiền trạm kể lại, ngày ấy, Thành ủy Hà Nội xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn thanh niên tình nguyện đi khai hoang, hầu hết là những thanh niên chưa lập gia đình. Trong tổng số 2.788 thanh niên đến với Lâm Hà, riêng huyện Đông Anh có tới 1.063 người.
Những người đi tiền trạm không chỉ là thanh niên “sức dài vai rộng” để phát rừng làm rẫy, mà còn có cả những cán bộ chính quyền địa phương lên đây để thành lập chính quyền cơ sở.
Có cả tình nguyện viên là bác sĩ, y tá để thành lập bệnh xá cơ sở, có giáo viên để tiếp tục dạy văn hóa cho thanh niên tình nguyện, có cán bộ nông nghiệp để hướng dẫn mọi người trồng sắn, trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, nuôi lợn…
“Tất cả thanh niên tình nguyện, ai có nghề nào phát huy nghề đó, ai thợ mộc vào làm thợ mộc, ai thợ xây thì đi làm nhà… Sau 3 năm, những thanh niên tình nguyện hết nghĩa vụ thì về lại Hà Nội, để lại những ngôi nhà, những ngọn đồi ngô, sắn, những trang trại nuôi lợn, gà, trâu, bò… cho các hộ dân từ Thủ đô vào đây lập nghiệp. Khi cơ sở định cư tạm ổn, năm 1978, TP Hà Nội bắt đầu động viên các hộ gia đình lên Tây Nguyên định cư”, ông Thành nhớ lại.
Coi vùng đất mới là Hà Nội thứ hai
Mạng lưới giao thông nông thôn huyện Lâm Hà được chính quyền Hà Nội ưu tiên hỗ trợ vốn để bê tông hóa 100%
Ông Nguyễn Văn Đức, từng là Bí thư, rồi Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà kể, khi ấy, ông đang là giáo viên tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Khi chính quyền thông báo rất cần giáo viên lên Lâm Hà, ông lập tức xung phong. Hết thời gian nghĩa vụ đi tiền trạm, ông xin ở lại để thành lập trường học tại xã Hoài Đức, rồi sau đó được chuyển công tác, sang làm lãnh đạo xã.
“Gần chục năm trời, tôi nhiều lần định về lại Hà Nội. Nhưng mảnh đất Tây Nguyên đang rất cần những người trí thức để xây dựng quê hương mới, nên tôi đã quyết định ở lại gắn bó cuộc đời với nơi này, coi đây như Hà Nội thứ hai của mình”, ông Đức chia sẻ.
Theo ông Lê Tiến Thành, nói về những khó khăn vất vả của những hộ dân lên đây lập nghiệp thì nhiều vô kể. Năm đầu, chính quyền hỗ trợ mỗi nhân khẩu 18kg gạo/tháng.
Năm sau còn 3kg/tháng. Đường đi toàn đất đỏ, mưa xuống là lầy lội… Có một số hộ không trụ lại nổi phải về lại quê hương, một số hộ chuyển đi nơi khác lập nghiệp.
Nỗi ám ảnh của người dân khu vực thị trấn Nam Ban và các xã lân cận là dịch sốt rét ác tính vào năm 1991.
Năm đó, gần như thôn xóm nào cũng có người chết vì sốt rét. Đường sá đi lại lầy lội, người dân phải tự cáng nhau đi bộ hoặc dùng xe bò, xe trâu để chở người bệnh đến viện. Chính ông Thành cũng có một người em trai ra đi khi mới tròn 20 tuổi vì căn bệnh này.
Hơi thở Hà Nội giữa cao nguyên
Từ bạt ngàn lau sậy, Lâm Hà giờ đây đã trở thành một vùng đất trù phú trên cao nguyên
Gần 50 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, nhưng trong nhà ông Thành lúc nào cũng có đủ trà, thuốc lào mang từ Bắc vào.
Căn bếp nhỏ của ngôi nhà khang trang thường xuyên sực nức những bữa cơm hương vị Bắc, có cả những món đặc trưng Hà Nội như bún ốc, bún thang...
“Thời gian đầu vào đây, mọi người nhớ nhà lắm, năm nào cũng bắt xe khách về quê. Nhưng rồi cả xã tôi vào đây, có cả họ hàng nên nỗi nhớ cũng nguôi ngoai dần. Ngày Tết, ngoài cây mai của miền Nam, ở đây có đào Nhật Tân đem giống từ ngoài ấy vào. Trong này đường phố, xã phường cũng đặt tên y như ngoài Hà Nội, cũng là cách cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương”, ông Thành tâm sự.
Ở huyện Lâm Hà, có nhiều địa danh được đặt tên trùng với địa danh Thủ đô Hà Nội như các xã Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Liên Hà, Đan Phượng, Phúc Thọ… Điều đặc biệt, dù ở trên cao nguyên xa xôi, nhưng đường sá giao thông nơi đây rất khang trang, thuận tiện.
Theo lãnh đạo huyện Lâm Hà, giao thông là dấu ấn đầu tiên mà Hà Nội giúp đỡ huyện Lâm Hà. Tới nay, toàn huyện Lâm Hà có tổng chiều dài các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa đạt chuẩn 1.151.6km.
Tổng kinh phí đầu tư cho giao thông giai đoạn 2010 - 2020 là 1.397,542 tỷ đồng. Ước tính Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ đến hơn 50% kinh phí bê tông hóa đường liên thôn, liên xã ở đây.
Trong các lần hỗ trợ huyện Lâm Hà, UBND TP Hà Nội đều cho biết, đây là công việc có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp chính quyền, nhân dân Thủ đô với nhân dân huyện Lâm Hà và cộng đồng người dân Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng.
“Không “hổ danh” người Hà Nội đi lập nghiệp, với sự quan tâm từ Thủ đô, những vùng đất cằn cỗi ở Lâm Đồng đã “nở hoa”. Người dân Hà Nội vào đây gắn bó cùng nhau làm kinh tế, chung sức cùng bà con ở Tây Nguyên phát triển vùng đất này. Hầu hết người Hà Nội vào Lâm Hà lập nghiệp đều có cuộc sống ổn định, khấm khá”, ông Nguyễn Văn Đức tự hào chia sẻ.
Nhiều người Hà Nội đầu tư bất động sản ở Lâm Hà
Cuối tháng 6/2022, UBND huyện Lâm Hà đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn huyện trong quý II/2022. Theo đó, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 4.673 hồ sơ giao dịch nhà đất, với tổng giá trị giao dịch là 3.232 tỷ đồng.
Theo một lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà, lượng người đến mua đất tại Lâm Hà có hộ khẩu Hà Nội chiếm hơn 40%. Họ đầu tư vào Lâm Hà chủ yếu là vì họ có người thân lập nghiệp tại Lâm Hà… Chính vì vậy, giá đất nền tại Lâm Hà năm 2022 tăng từ 5 - 10 lần so với năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận